Để nâng cao giá trị cây sở, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn chú trọng đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị, ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và bảo quản quả sở sau thu hái.
Ông Lương Văn Tài, thôn Yên Hạ, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Từ nhiều năm trước, gia đình tôi đã trồng sở, tuy nhiên việc tiêu thụ hạt sở còn gặp khó do chưa có đầu ra ổn định. Khoảng hai năm trở lại đây đã có một số doanh nghiệp, cơ sở đến thu mua, tạo đầu ra ổn định, từ đó tôi yên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng. Ðến nay, gia đình có hơn 5 ha sở, trong đó có hơn 4 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt hơn 10 tấn hạt, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.
Yên Trạch là xã có diện tích trồng sở lớn nhất trên địa bàn huyện. Toàn xã có hơn 680 ha sở, trong đó có 450 ha cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch hằng năm ước đạt hơn 800 tấn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch Hoàng Văn Thuần, để người dân không phải bán nhỏ lẻ, hạn chế phụ thuộc vào thương lái như trước, những năm gần đây chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Cao Lộc tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ sở giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tinh dầu sở trên địa bàn trong và ngoài huyện với các hộ dân trồng sở để hướng tới thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm sở trên địa bàn. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền trong huyện, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, việc tiêu thụ sản phẩm sở của người dân từng bước ổn định.
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tinh dầu sở trên địa bàn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó, tăng sản lượng thu mua.
Ðồng thời, từ năm 2021 đến nay, trước thời điểm sở vào vụ, Phòng đều tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất với người dân và chính quyền các xã có diện tích sở lớn, nhờ vậy đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho khoảng 25% tổng sản lượng hạt sở của huyện.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Ðể phát triển bền vững cây sở, thời gian tới, Phòng tiếp tục nghiên cứu, xác định giống cây sở hiệu quả nhất để người dân tập trung phát triển và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật chăm sóc cây sở, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề để người dân được ký kết hợp đồng bao tiêu dài hạn.
Sở là cây họ chè nên rất dễ sống và đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn. Ngoài tinh chế làm dầu ăn, mỹ phẩm thì bã từ quả sở có thể dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu, thau rửa ao, đầm… Chính vì vậy, nếu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đây sẽ là cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có ba doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất dầu sở.
Ðể sản phẩm dầu sở được nhiều người biết đến, tỉnh và huyện đã tư vấn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh cũng như hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Với mong muốn góp phần giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm quả sở, đầu năm 2021, Công ty TNHH MTV Ocean line đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến dầu sở với hệ thống máy ép trị giá gần 10 tỷ đồng, công suất chế biến từ 1.500-2.000 tấn hạt sở/năm. Bình quân mỗi năm, Công ty TNHH MTV Ocean line sản xuất và xuất bán khoảng 200 tấn dầu sở.
Năm 2023, sản phẩm dầu sở xứ Lạng của Công ty TNHH MTV Ocean line được Chủ tịch UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ðặc biệt, trong năm công ty cũng được cấp mã số xuất khẩu, đây là điều kiện quan trọng để đưa sản phẩm dầu sở vào thị trường Trung Quốc tiêu thụ theo đường chính ngạch.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha diện tích cây sở, trong đó có 2.000 ha diện tích đang cho thu hoạch. Cây sở được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan… Trồng sở đang trở thành phong trào tại một số huyện.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Chiều khẳng định: Ðể nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng này, những năm qua các cơ quan liên quan đã triển khai nghiên cứu về hiện trạng, sản lượng, diện tích, khả năng đất đai, kỹ thuật canh tác cây sở. Ngoài ra, tỉnh cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, chế xuất đối với sản phẩm từ cây sở.
Ðiều này không chỉ góp phần ổn định đầu ra cho người trồng sở, khắc phục tình trạng giá sở bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài mà còn nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ cây sở, tạo nguồn thu nhập cao cho người trồng sở, hướng đến hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn.