Đến với xã Xuất Lễ vào mùa này, nhìn đâu cũng thấy một mầu xanh ngút ngàn của rừng thông, điểm tô trên nền xanh ấy là những ngôi nhà mái đỏ tươi, xa xa xuất hiện những khu dân cư đông đúc với nhiều ngôi nhà hai, ba tầng kiên cố… Sự hiện diện của những mái nhà, rừng cây là minh chứng cho sự đổi thay về một vùng đất vùng biên, giàu truyền thống cách mạng.
Nhờ có những cánh rừng thông, rừng hồi..., nhiều hộ gia đình trong xã Xuất Lễ, nay đời sống đã được nâng lên rõ rệt. Ông Dương Văn Phúc, thôn Thạch Khuyên chia sẻ: Gia đình trồng được tám ha rừng, chủ yếu là thông, nay đã được khai thác nhựa. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm gia đình đều khai thác nhựa đem bán được hơn 70 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ rừng, đời sống gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, rừng đã giúp gia đình tôi lo cho hai con theo học tại các trường đại học, cao đẳng được ổn định.
Trưởng thôn Pò Mã (Xuất Lễ) Lộc Văn Sâm, vui vẻ cho biết: Từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, đường ô-tô đã về đến tận thôn, bản. Có đường về thôn, bà con không còn phải đi bộ ra trung tâm xã nữa. Một số gia đình trong thôn đã mua được xe ô-tô chở hàng nông sản ra chợ Trung tâm cụm Ba Sơn và đến chợ huyện để trao đổi hàng hóa. Thu nhập của người dân chủ yếu là khai thác nhựa thông, hoa hồi nên nhà nào cũng khấm khá hơn trước, trong thôn giờ không còn hộ đói. Cuộc sống của bà con ấm no đều từ việc trồng rừng...
Là xã giáp biên, lại là vùng đặc biệt khó khăn, với hơn 90% diện tích là đồi rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã xác định rừng chính là thế mạnh, là chìa khóa để giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân. Vì thế, từ những năm 1996 đến năm 2004, xã Xuất Lễ đã thực hiện có hiệu quả các dự án trồng rừng dự án 327, dự án 661..., toàn xã đã trồng được gần 1.000 ha rừng gồm: Hồi, thông, sở… 100% số thôn đều có rừng, trong đó, nhiều thôn có diện tích rừng lớn như: Khuổi Tát, Thạch Khuyên, Pò Mã, Pò Liềng, Sả Thướn, Bản Làng… hộ trồng ít cũng có khoảng 0,5 ha, hộ trồng nhiều lên đến 20 ha. Bắt đầu từ năm 2009, một số rừng thông đã cho khai thác nhựa, rừng đã đem về cho người dân một nguồn thu nhập đáng kể, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nói về sự đổi thay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuất Lễ Tô Văn Tuân cho biết: Để có được như vậy, trong thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đối với cuộc sống. Qua đó, người dân đồng lòng hưởng ứng, tích cực thực hiện đẩy mạnh phong trào trồng. Ngay trong năm đầu tiên đã có hộ đạt mức thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông.
Đến nay, toàn xã đã trồng được hơn 2.000 ha rừng, trong đó 80% là rừng thông, còn lại là cây hồi, sở, bạch đàn… Cơ bản diện tích rừng đã được phủ xanh. Hiện toàn xã có khoảng 200 ha thông đang cho khai thác nhựa, một số hộ đã đạt mức thu nhập từ 50-70 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông cho nên bà con rất phấn khởi. Để người dân bảo đảm thu nhập và có đời sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã Xuất Lễ đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi đời sống của nhân dân được nâng lên, việc huy động sức dân vào các phong trào chung của thôn, của xã cũng dễ dàng hơn. Nổi bật như việc làm đường giao thông, người dân sẵn sàng hiến những “tấc vàng” để mở rộng và làm mới đường và đóng góp sức người, sức của cho việc xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó năm 2020, xã vùng biên Xuất Lễ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ sự nỗ lực của người dân, cùng với sự đầu tư của Nhà nước thông qua các dự án trồng rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, đời sống của bà con ở xã Xuất Lễ không ngừng được nâng lên. Tại nhiều thôn bản giáp biên của xã, nhiều hộ dân đã xây được nhà kiên cố khang trang, hệ thống đường giao thông liên thôn được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương, nhất là việc vận chuyển hàng hóa đến phục vụ bà con các thôn, bản vùng cao, biên giới.