Trong giai đoạn 2021- 2025, lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng 33%, năm 2024, tỉnh đón hơn 3,2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 8.149 tỷ đồng. Hà Giang được tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023.
Sự phát triển của ngành du lịch đã tạo ra nhiều việc làm ở các lĩnh vực, thu hút lượng lớn lao động thành thị và nông thôn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, ngành du lịch đã tạo việc làm cho hơn 14.000 người lao động địa phương, chủ yếu ở nông thôn. Những công việc thu hút lượng lớn người lao động là nghề hướng dẫn viên du lịch; lái xe chở khách du lịch; nhân viên nhà hàng, khách sạn, homestay; kinh doanh đặc sản; cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch...
Nhận thấy, du khách lên Hà Giang thường thuê ô-tô, xe máy đi trải nghiệm những cung đường uốn lượn ở các huyện vùng cao, hàng trăm công ty lữ hành và điểm cho thuê xe ô-tô, mô-tô mở ra, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn người .
Anh Sân Tài Chí, nhà ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ cùng nhóm bạn mở Công ty TNHH Pai Adventure, đặt trụ sở tại thành phố Hà Giang chuyên dẫn khách đi du lịch trải nghiệm. Anh Sân Tài Chí cho biết: Từ năm 2023 đến nay, du khách lên với Hà Giang đông, công ty duy trì 10 nhân viên có nhiệm vụ dẫn khách và cùng với 30 đến 50 cộng tác viên lái xe chở khách. Đối với cộng tác viên lái xe máy chở khách, công ty ưu tiên thanh niên nông thôn, các bạn chỉ cần có sức khỏe, xe máy, am hiểu cung đường vùng cao là đáp ứng được yêu cầu công việc với thu nhập bình quân khoảng 400 nghìn đồng/ngày và được lo ăn, nghỉ.
Du lịch cộng đồng tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang cũng thu hút du khách trong và ngoài nước. Mô hình này đã giúp người dân bản địa có cơ hội kiếm thêm thu nhập ngay tại quê hương mà không phải di cư đến thành phố lớn. Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư sửa nhà làm homestay, kéo theo đó là các hộ sản xuất, bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản xuất thực phẩm để làm các món ăn đặc trưng của địa phương.
Tại Hà Giang hiện có hàng trăm làng văn hóa và là điểm đến của du khách, trong đó có 16 làng văn hóa du lịch tiêu biểu với doanh thu từ du lịch hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử tại làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn có khoảng 40 hộ cải tạo nhà cửa làm homestay. Thôn nằm ở cực bắc của Tổ quốc và còn lưu giữ những giá trị truyền thống của đồng bào Lô Lô, mỗi tháng đón hàng nghìn lượt khách lưu trú, hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Bí thư Chi bộ thôn Lô Lô Chải Vàng Dỉ Tình cho biết: “Với mục tiêu chia sẻ lợi nhuận, tất cả các hộ cùng hưởng lợi từ du lịch, thôn hình thành các nhóm hộ làm dịch vụ phụ trợ như nhóm hộ trồng rau, nhóm hộ chăn nuôi, nhóm trồng hoa, nhóm nấu rượu, nhóm biểu diễn văn nghệ. Ngoài ra các nhóm hộ liên kết với các gia đình làm dịch vụ ăn nghỉ để cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách. Nguồn thu từ du lịch chia đều cho hơn 110 hộ dân trong thôn, hộ làm lưu trú thu từ 10 đến 30 triệu đồng/ tháng, hộ phục vụ du lịch cũng có nguồn thu đáng kể”.
Theo thống kê, tỉnh Hà Giang hiện có 146 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và bảy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, gần 1.000 cơ sở lưu trú và hàng nghìn nhà hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh này đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn mỗi năm. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn. Ngoài ra tỉnh đã triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch và đã mở 54 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho gần 2.000 người.
Không chỉ giúp người dân có việc làm, du lịch còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống. Đáng chú ý, nhiều nghề thủ công truyền thống như dệt lanh, thêu, làm khèn H’Mông, nghề chạm bạc… đang được hồi sinh nhằm tạo ra các sản phẩm đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Thí dụ như ông Ma Dâu Páo, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ hiện vẫn còn giữ được nghề làm khèn H’Mông. Dù tuổi cao, nhưng ông luôn bận bịu với việc làm khèn, rồi truyền dạy cho thế hệ trẻ cách làm khèn, những điệu múa khèn H’Mông. Ông Páo cho hay: “Tôi biết làm khèn từ hồi trẻ, ngày trước làm để bán cho người dân trong huyện. Nay nhiều du khách lên Hà Giang, muốn mua khèn về làm kỷ niệm cho nên đơn hàng nhiều hơn trước. Tháng nào tôi cũng làm và bán ra thị trường hàng chục cây khèn cho nên có nguồn thu khá hơn so với trồng ngô, nuôi bò…”.
Có thể nói, du lịch đã trở thành động lực quan trọng giúp Hà Giang phát triển kinh tế, xã hội. Với sự quan tâm của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng, Hà Giang hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.