Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: "Trước đây, gia đình trồng na trên núi đá. Từ năm 2003, tôi trồng thêm 800 gốc na tại chân ruộng cao, không chủ động được nước. Tuy nhiên, qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, từ năm 2015, tôi bắt đầu sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2017, tôi bắt đầu sản xuất na trái vụ. Hiện nay, trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch 2 vụ na, mỗi vụ từ 6-7 tấn, trừ chi phí thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm".
Tại huyện Chi Lăng, đã và đang có hàng nghìn hộ thu nhập cao từ cây na. Những năm gần đây, nông dân ở các xã trong huyện cũng tích cực trồng và mở rộng diện tích táo, bưởi, nhãn, ổi… nâng tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện lên 3.700 ha.
Người dân đã tận dụng chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao hơn như: Ớt, lạc, dưa hấu, bí xanh, cà chua, khoai tây, rau bò khai…
Bà Vi Thị Lương, thôn Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: "Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất, trước đây chỉ trồng lúa một vụ, còn lại đất bỏ không. Cách đây 10 năm, tôi đã luân canh, tăng vụ trồng thêm rau màu, rau vụ đông. Hiện nay, tôi trồng 3-4 sào cà chua; 4-6 sào ớt và 2 sào rau vụ đông các loại. Nhờ trồng rau màu, gia đình tôi thu nhập bình quân từ 100-120 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, ngô".
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, phòng đã tham mưu UBND huyện thực hiện quy hoạch vùng chuyển đổi; định hướng cho người dân phát triển cây trồng phù hợp. Hằng năm, phòng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho người dân. Với cách làm này, người dân trong huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.
Từ năm 2016 đến nay, người dân Chi Lăng đã chuyển đổi khoảng 1.500 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác như: Na, thuốc lá, táo, ổi, cây có múi, hồi, trám... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng na với diện tích 2.600 ha, trong đó, có 930 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị đạt 900-1.000 tỷ đồng/năm; vùng trồng thuốc lá với diện tích hơn 800 ha, giá trị đạt khoảng 135 tỷ đồng/năm...
Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần trên cùng một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững. Các mô hình kinh tế sau khi chuyển đổi đều đem lại cho các hộ dân từ 100 triệu đồng/mô hình/năm. Riêng trong năm 2024, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 300 ha, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, nhất là đổi mới tư duy sản xuất của người dân để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Phùng Văn Nghĩa cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã phổ biến, hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện chuyển cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thường xuyên, liên tục để nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân chuyển đổi theo đúng quy định tại các nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa... Qua đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.