Anh Phạm Võ Quan sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con tại xã biên giới Minh Tân, huyện Vị Xuyên. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh bươn chải kiếm sống với đủ các ngành nghề. Đến năm 2016, khi đã tích cóp một chút tiền vốn, anh đến xã Phong Quang để mua đất với mục đích làm trang trại chăn nuôi gia súc, xây dựng lò mổ để xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc.
Từ tiền tích cóp, vay mượn, anh xây dựng trang trại và mua hàng trăm con bò sinh sản về chăn nuôi. Để có nguồn thức ăn cho gia súc, anh thuê đất của người dân trong vùng trồng mía, dùng ngọn làm thức ăn cho gia súc, thân cây mía đem bán.
Anh Quan cho biết: "Xã Phong Quang có tiềm năng về đất đai, nhưng khó khăn về nguồn nước tưới tiêu. Diện tích đất đồi người dân thường trồng ngô song hiệu quả kinh tế không cao, có năm hạn nặng cây ngô có bắp nhưng không có hạt. Đất đai khô cằn là thế, nhưng khi đưa cây mía về trồng, kết hợp với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật lại phát triển rất tốt, nhất là chống chịu được tình trạng thiếu nước trong những tháng mùa khô".
Năm 2017, trang trại chăn nuôi và việc xây dựng lò mổ xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc gặp khó khăn, trong khi đó diện tích mía được trồng với mục đích ban đầu là làm thức ăn cho gia súc lại có triển vọng. Do đó, anh Quan đã chuyển đổi phương thức đầu tư từ chăn nuôi gia súc sang trồng mía.
Để có đầu ra ổn định cho cây mía, anh sang Trung Quốc tìm đối tác và đã ký kết hợp tác trồng mía với một nhà máy mía đường tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, anh Quan cũng thành lập Công ty TNHH Thủy Vĩnh Bảo để thuận tiện trong việc liên kết với người dân trồng mía cũng như xuất khẩu mía đường sang Trung Quốc.
Từ 15 ha mía được trồng làm thức ăn cho gia súc, đến nay anh Phạm Võ Quan đã mở rộng vùng trồng mía xuất khẩu lên hơn 100 ha tại các xã Phong Quang, Thuận Hòa, Minh Tân. Trong đó, một nửa diện tích anh Quan thuê đất của người dân trồng; nửa diện tích còn lại, anh liên kết với 10 hộ dân trồng.
Mối liên kết trồng mía xuất khẩu được thực hiện theo hình thức người dân bỏ đất, công chăm sóc, còn lại từ khâu làm đất, mua giống, trồng, phân bón, thu hoạch đều do công ty thực hiện. Khi cây mía được thu hoạch, công ty sẽ thu mua của người dân với giá 1,2 triệu đồng/tấn, người dân được hưởng 100% tiền bán mía.
"Những năm đầu trồng thử nghiệm, do chưa có kinh nghiệm cho nên năng suất mía không cao. Nhưng mấy năm gần đây, tôi đầu tư cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu trồng mía, tưới tiêu và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vì vậy năng suất mía đạt cao từ 80-120 tấn/ha. Với năng suất đó, người dân liên kết trồng mía có được nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/ha; diện tích mía do công ty thuê đất để trồng cũng có hiệu quả kinh tế", anh Quan cho biết.
Điểm nổi bật trong mô hình liên kết trồng mía xuất khẩu giữa Công ty TNHH Thủy Vĩnh Bảo và người dân chính là: Nếu năng suất diện tích mía liên kết với người dân không đạt 100 tấn/ha, công ty sẽ bù cho người dân để bảo đảm mỗi héc-ta người dân có nguồn thu đủ 100 tấn mía.
Không những vậy, hiện anh Quan vẫn tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng mía xuất khẩu thông qua mô hình liên kết với người dân. Dự kiến, đến cuối năm 2025 vùng nguyên liệu trồng mía xuất khẩu tại các xã vùng cao huyện Vị Xuyên sẽ đạt 300 ha...
Cùng với trồng mía xuất khẩu, anh Phạm Võ Quan còn là người đầu tiên đưa cây thanh long về trồng trên đất xã Phong Quang. Đến nay, diện tích trồng thanh long đạt 3,5 ha. Cây thanh long hợp đất, hợp khí hậu cho nên sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm làm ra đến đâu được các thương lái từ thành phố Hà Giang thu mua đến đó. Bình quân mỗi năm anh Quan cũng có nguồn thu hàng tỷ đồng từ trồng thanh long.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Quang Thượng Duy Du cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhưng hiệu quả nhất là mô hình trồng mía xuất khẩu của anh Phạm Võ Quan. Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định từ trồng mía. Mô hình này có ý nghĩa chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, chuyển từ diện tích trồng ngô hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía hiệu quả kinh tế cao.