Ông Đặng Như Tiềm, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân chia sẻ: “Từ năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 1,5 mẫu táo Đài Loan (Trung Quốc). Sau một năm, cây cho thu hoạch quả vụ đầu tiên. Gia đình thu được khoảng 6 tấn quả, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng. Nhận thấy giống táo này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nên tiếp tục mở rộng diện tích lên 1 ha.
Để nâng cao chất lượng táo, tôi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, chất lượng quả được nâng cao, vụ năm nay gia đình ước thu sản lượng khoảng 18 tấn, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, thu nhập sau trừ chi phí đạt hơn 200 triệu đồng”.
Giống như gia đình ông Tiềm, gia đình ông Lý Văn Đường ở thôn Bãi Vàng cũng trồng táo Đài Loan trong nhiều năm trở lại đây để phát triển kinh tế. Theo ông Đường, mỗi sào đất thường trồng được 35-40 cây táo, đầu tư không tốn kém nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Thu hoạch táo đến đâu là có thương lái thu mua tận nơi, không phải chở đi bán. Hiện thôn Bãi Vàng đang có 40 hộ gia đình trồng táo Đài Loan, hộ ít từ 100-200 cây, hộ nhiều 700-800 cây.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2015 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển, nâng cao nguồn thu từ trồng táo. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân Vũ Hoàng Thúy cho biết, hằng năm, UBND xã phối hợp phòng chuyên môn huyện tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có 11 ha táo, sản lượng trung bình đạt 37 tấn/năm.
Cũng như xã Đồng Tân, phong trào trồng cây ăn quả ở xã Cai Kinh phát triển mạnh, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm với mô hình trồng cây na, táo đại… Toàn xã hiện có hơn 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là na, bưởi Diễn, cam đường Canh, táo đại...
Ngoài táo, bưởi cũng là một cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo được các cấp, ngành chức năng ở huyện định hướng, người dân trồng nhiều. Đến nay, diện tích cây bưởi được trồng tại hầu hết các xã, thị trấn, tuy nhiên được trồng nhiều tại các xã: Nhật Tiến, Cai Kinh, Minh Sơn…
Cùng với táo, bưởi, các loại cây ăn quả khác cũng đang phát triển tốt ở huyện và được trồng theo vùng, như vùng trồng na tại các xã: Cai Kinh, Hòa Lạc, Yên Sơn, Yên Vượng với hơn 1.400 ha; các loại cây có múi (cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn) trồng tại các xã: Nhật Tiến, Cai Kinh, Minh Sơn, Đồng Tân, Hòa Lạc…
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hữu Lũng Lương Văn Bính cho biết: Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây cây ăn quả được coi là một trong những cây trồng chủ lực ở Hữu Lũng. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung, qua đó, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 5.000 ha.
Hiện nay, tại Hữu Lũng ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm như mô hình trồng bưởi, cam, chanh…
Để phát triển vùng cây ăn quả tập trung, những năm qua, cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, huyện chú trọng nâng cao chất lượng quả thông qua việc vận động áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây theo quy trình VietGAP và đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ giống, phân bón, thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nông thôn mới; mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân. Trong những năm tới, Hữu Lũng vẫn coi trọng phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, huyện chú trọng xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho cây ăn quả đặc trưng của địa phương.