Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh:

Xây dựng “sức đề kháng” cho học sinh trước vấn nạn bạo lực học đường

NDO - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, để ngăn chặn bạo lực học đường, vấn đề cốt lõi là phải xây dựng được văn hóa học đường và trang bị “sức đề kháng” cho học sinh trước những tác động của phim ảnh, mạng xã hội, tin tức tiêu cực, trong đó quan trọng nhất là thầy cô, cha mẹ phải là tấm gương cho các em học theo.
0:00 / 0:00
0:00

Bạo lực học đường rất đáng lo ngại

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, tình trạng bạo lực học đường vẫn đang diễn ra, nhưng gần đây tính chất, mức độ của các sự việc ngày càng đáng lo ngại hơn, đang có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm.

Xây dựng “sức đề kháng” cho học sinh trước vấn nạn bạo lực học đường ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề "động chân, động tay" mà còn bạo lực cả về tinh thần, tức là xúc phạm nhân phẩm của nhau. Đáng lo ngại là học sinh, bè bạn chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực học đường đáng lo ngại, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng một phần do tác động của phim ảnh, mạng xã hội. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước. Trên internet có những thông tin tiêu cực, trẻ em rất dễ học theo.

Vì vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cần xây dựng “sức đề kháng” cho các em. Ngoài định hướng cho các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực thì cần giúp các em tự phân biệt được cái tốt, cái xấu, từ đó các em sẽ hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.

Xây dựng văn hóa học đường là căn cốt, lâu dài

Xây dựng “sức đề kháng” cho học sinh trước vấn nạn bạo lực học đường ảnh 2

Vấn đề căn cốt, lâu dài trong phòng, chống bạo lực học đường là phải xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng lưu ý cần đề cao tính nêu gương của người lớn và gia đình. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ nên trẻ thường học và làm theo người lớn. Chính vì thế, người lớn hành động, suy nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.

“Vì thế, tôi cho rằng, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử mẫu mực, kiềm chế. Đừng để trẻ con tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, hãy để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh cũng khẳng định, vấn đề căn cốt, lâu dài là phải xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. Ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của cha mẹ, ông bà thì phần lớn trẻ hiện nay nhận sự giáo dục của nhà trường. Do đó, việc hình thành văn hóa học đường cho học sinh là giải pháp lâu dài để giảm bớt bạo lực học đường.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng nêu rõ việc này cần làm lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay.

Văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục văn hóa cao thì sẽ ảnh hưởng rất tốt đến học sinh.

“Có người nói rằng trẻ khi còn nhỏ thì các em có ý thức cao nhưng khi lớn hơn thì giảm dần độ tự giác. Tôi cho rằng, ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để mọi người đều có ý thức tuân thủ. Có xây, có chống sẽ giúp hành vi, nhận thức mọi người tốt hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ.