Thu nhập tăng, nhưng…
Kết quả phỏng vấn, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp đều cho rằng: Kể từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (1/7/2024), đã cải thiện thu nhập giáo viên được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát diện rộng (12.505 giáo viên) lại cho thấy, thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình giáo viên đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ. Đối với nhóm giáo viên có làm thêm nghề phụ thì đáp ứng khoảng 62,55%. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá “thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình”.
Một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, cho rằng: Mặc dù chi tiêu rất tằn tiện nhưng chưa hết tháng đã hết lương, nhiều thầy không dám có bạn gái vì không lấy đâu ra khoản “chi tiêu cho tình phí”. Nhiều thầy, cô giáo trẻ đôi lúc dao động muốn chuyển nghề, thậm chí là đi làm công nhân ở các khu công nghiệp bởi “lương sẽ cao hơn lương giáo viên trẻ”. Và thực tế, nhiều địa phương đều có tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác, trong đó có đi làm công nhân.
Các giáo viên là tiến sĩ đạt Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu vàng năm 2024, và các nữ sinh đạt Giải Nữ sinh Khoa học công nghệ năm 2024, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tại khu vực biên giới, hải đảo, nông thôn, điều khá bất ngờ từ kết quả khảo sát là giáo viên lại thấy rằng, với mức thu nhập từ nghề giáo đáp ứng 62% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình (cao hơn so với giáo viên ở thành thị). Điều này có thể lý giải là do mức sống và mức chi tiêu ở vùng biên giới, hải đảo thấp hơn các vùng khác, trong khi mức lương của giáo viên khu vực này lại có phần phụ cấp cao hơn.
Về đánh giá mức độ áp lực tài chính (Thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) là điểm bình quân khá cao 3,61/5 (5 là rất áp lực). Trong đó, 44% giáo viên cho rằng họ đang chịu từ áp lực đến rất áp lực, riêng 46,45% giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đang cảm thấy áp lực hoặc rất áp lực trong vấn đề tài chính. Trong khi đó, chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.
Nhiều áp lực, nhất là từ phụ huynh
Một điều khá bất ngờ từ kết quả khảo sát cho thấy giáo viên ít bị áp lực liên quan công việc chuyên môn (giảng dạy hay thời gian giảng dạy) mà áp lực lớn nhất là từ… phụ huynh học sinh.
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh với điểm trung bình 4,4/5 điểm (5 điểm là rất áp lực). Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.
Người thầy biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực
Phỏng vấn sâu, quý thầy, cô trong các ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn và giáo viên các cấp đều có chung nhận định là hiện nay áp lực từ phía phụ huynh đối với giáo viên đang là vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục. Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua các nhóm Zalo hay Facebook...
Đáng lo ngại hơn, một số giáo viên còn cho rằng một số phụ huynh còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy, cô (như trực tiếp đến trường gây gổ, chửi bới, thậm chí hành hung…). Nhiều giáo viên còn phải đối mặt với tình trạng bị đe doạ hay bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội.. Điều này không chỉ khiến đội ngũ giáo viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất tự chủ và cảm hứng trong công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục.
Quá tải, ít thời gian nghỉ
Kết quả khảo sát cũng thấy 71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc, tỷ lệ này của giáo viên mầm non là 87,65%. Kết quả khảo sát khác cũng cho thấy gần 70% giáo viên mầm non không có thời gian hoạt động thể dục-thể thao, giải trí; trong khi 46% giáo viên ở các cấp khác dành dưới 10% thời gian trong ngày cho hoạt động thể dục-thể thao, giải trí. Đồng thời, thời gian trung bình giáo viên dành cho chăm sóc gia đình chiếm 15,81% quỹ thời gian.
Sinh viên cần cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân
Đáng chú ý, đối với giáo viên hệ mầm non, thời gian trung bình dành cho chăm sóc gia đình chỉ bằng khoảng 1/3 so với mặt bằng chung, khoảng 5,25% quỹ thời gian. Nhiều giáo viên mầm non tâm sự rằng họ cảm nhận nghề của mình còn nặng hơn cả nghề thợ hồ vì nghề thợ hồ còn có giờ nghỉ trưa, trong khi giáo viên mầm non quần quật cả ngày với đàn con trẻ. Trong khi đó, giáo viên các cấp còn lại thì cho rằng họ sợ nhất là các hoạt động ngoài chuyên môn chiếm quá nhiều thời gian của họ.
Dạy thêm: cần nhìn nhận đa chiều
Ngoài hoạt động dạy chính khóa tại trường, vẫn còn tình trạng giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm để gia tăng thu nhập. Có 25,4% giáo viên được khảo sát có thực hiện dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào nhóm các môn học như Toán, Văn, Anh Văn, Lý, Hóa (79,03%).
Thời gian dạy thêm của giáo viên cũng tăng dần theo các cấp học, trung bình những giáo viên có dạy thêm ở cấp giáo dục tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp trung học cơ sở là 13,75 giờ/tuần và cấp phổ thông trung học là 14,91 giờ/tuần.
Nhiều giáo viên tâm sự rằng ngoài một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” trong hoạt động dạy thêm, thì hiện nay nhu cầu được học thêm là có thật và chính đáng. Do tình trạng bệnh thành tích nên nhiều trường hợp học sinh yếu vẫn cứ được “tạo điều kiện” để lên lớp hoặc chuyển cấp. Kết quả các học sinh này bị mất gốc, tiếp thu không nổi và kịp kiến thức đang học ở lớp, cảm thấy chán học, trường hợp này phụ huynh rất có nhu cầu cho các em được học thêm để củng cố lại kiến thức. Thêm vào đó, một bộ phận phụ huynh hiện nay cũng đặt kỳ vọng về con mình rất cao nên họ rất muốn con mình phải học thêm, đặc biệt là các lớp chuẩn bị chuyển cấp để được vào học các trường tốt.
Giáo viên vùng nông thôn ít áp lực hơn thành thị |
Trước những nhu cầu có thật này thì giáo viên phải dạy “chui”. Điều này theo nhiều giáo viên thừa nhận làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt các em học sinh và cả xã hội, nhưng vì “gánh nặng mưu sinh” nên họ buộc phải dạy “chui”.
Đồng thời, kết quả phỏng vấn sâu quý thầy, cô ban giám hiệu các trường phần lớn đều cho rằng họ biết thầy, cô nào trong trường mình có dạy thêm ở nhà hoặc mướn nơi khác dạy nhưng “ngó lơ”, trừ trường hợp nào bị phụ huynh phản ánh ép buộc học thêm hay bị kiện tụng thì họ phải đau đầu xử lý. Chính vì vậy, có đến 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm (bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online) để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình; đồng thời, giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp.
Huy động nguồn lực xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên
Theo PGS,TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện Phát triển chính sách, Dự thảo Luật Nhà giáo đã xác định “lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” nhưng nhiều thầy cô cũng lo ngại sẽ chậm triển khai chủ trương đó trên thực tế do thiếu nguồn lực. Cạnh đó, chúng ta cần phải đặt việc tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của giáo viên lên hàng đầu và tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới. Bởi bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của học sinh và phụ huynh được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo bị hạ thấp, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm. Và thay vì nghiêm cấm dạy thêm, chúng ta cần xây dựng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế minh bạch, công khai trong việc dạy thêm để lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng tham giám sát. Đồng thời, nhà nước cần xem xét ban hành chính sách về ưu đãi về tài chính, cũng như xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, giáo viên tài năng, giáo viên vùng đặc biệt.