Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Tài chính qua các thời kỳ.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm phòng truyền thống của Học viện. (Ảnh: SƠN TÙNG) |
Đọc diễn văn kỷ niệm, PGS, TS, NGƯT Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện bày tỏ tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động của Học viện. Với bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò Học viện Tài chính đã luôn đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà; với hơn 500 tiến sĩ, hơn 10.000 thạc sĩ và 100.000 cử nhân kinh tế. Bên cạnh đó, Học viện đã đào tạo hơn 500 cử nhân, thạc sĩ cho đất nước bạn Lào, Campuchia.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến chúc mừng các thế hệ thày cô giáo của Học viện. (Ảnh: SƠN TÙNG) |
Học viện Tài chính được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục đại học có uy tín hàng đầu ở Việt Nam. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức của Học viện ngày càng lớn mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ, viên chức hiện có 670 người, trong đó có 11 cán bộ, viên chức là người dân tộc thiểu số; 4 giáo sư, 51 Phó giáo sư, 240 Tiến sĩ, 351 Thạc sĩ, 5 Nhà giáo Nhân dân, 17 Nhà giáo Ưu tú.
Chất lượng sinh viên sau khi ra trường luôn được thị trường lao động chào đón, xã hội đánh giá cao.Tất cả tạo nền tảng để thầy và trò quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển Học viện trở thành địa chỉ “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực” cho các cán bộ quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, quản lý, quản trị; cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính-kế toán chất lượng cao.
Học viện Tài chính phải tiên phong tạo ra thay đổi đột phá trong giáo dục và đào tạo
Gửi gắm tới các học trò những tình cảm yêu quý và trách nhiệm của các thầy cô, PGS, TS, NGƯT Nguyễn Đào Tùng trao cho các em cơ hội cùng Học viện nâng cao giá trị cốt lõi: “Chất lượng, uy tín, hiệu quả, chuyên nghiệp và hiện đại”, khơi dậy niềm tự hào, nỗ lực phấn đấu học tập, tu dưỡng, đóng góp sức mình bồi đắp truyền thống quý báu của Học viện.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ tri ân các thầy, cô giáo Học viện Tài chính. (Ảnh: SƠN TÙNG) |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận những thành tích to lớn và chúc mừng tập thể lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo và sinh viên của Học viện, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị, Học viện Tài chính tiếp tục xây dựng và gìn giữ khối đoàn kết, thống nhất, thực hiện thành công chiến lược phát triển của Học viện trong bối cảnh mới; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, đổi mới quản trị, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn, và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản trị đại học, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò tiên quyết, then chốt trong phát triển Học viện, vì vậy Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Học viện và tập thể lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức, người lao động để thu hút giảng viên giỏi, tâm huyết, cống hiến cho sự phát triển giáo dục, đào tạo cũng như của Học viện; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, củng cố cơ sở vật chất để bảo đảm điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đồng thời, quan tâm hơn nữa đào tạo nhân lực cho con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên mọi miền của đất nước để sau khi ra trường các em chính là những người trở về lập nghiệp trên quê hương, đóng góp phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh và phát triển.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở một số nhiệm vụ của giáo dục đại học. (Ảnh: SƠN TÙNG) |
Chia sẻ niềm vui với thầy cô và học trò của Học viện, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở, nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn là nhiệm vụ chuẩn bị cho con người-nguồn nhân lực của xã hội có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường. Trường đại học là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị, Học viện cần kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của Học viện trong nước, trong khu vực và quốc tế. Nội dung, chương trình giảng dạy và nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật, tiếp cận hiện đại, thiết thực, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo đó, Học viện tiếp tục chú trọng hướng mở rộng quan hệ quốc tế, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội. Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời; khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân, góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.
Tại buổi lễ, Học viện đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc và trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 5 tập thể và 9 cá nhân.