Từ lập trình viên gen Z trở thành giảng viên vì... thương sinh viên bị la mắng

Dù cả tuổi đời và tuổi nghề đều còn rất trẻ, nhưng thầy giáo Phan Văn Tính vẫn được nhiều học trò quý mến vì tài năng, nhiệt huyết và đặc biệt là sự tận tâm trên bục giảng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người có thể nhầm lẫn khi gặp thầy giáo Phan Văn Tính (thứ 4 từ trái sang) cùng học trò bởi khoảng cách độ tuổi.
Nhiều người có thể nhầm lẫn khi gặp thầy giáo Phan Văn Tính (thứ 4 từ trái sang) cùng học trò bởi khoảng cách độ tuổi.

Vốn là một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ với GPA 4.0, khi tốt nghiệp, anh Phan Văn Tính đặt mục tiêu trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp.

Đi dạy vì thương sinh viên bị “mắng”

Chỉ vài năm sau khi ra trường, chàng trai sinh năm 1996 gặt hái hàng loạt thành tích ấn tượng như: hơn 6 năm kinh nghiệm ngành lập trình website ở các công ty trong nước và Singapore; nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Trưởng Phòng Kỹ thuật, Giám đốc tại các công ty…

Với vốn kinh nghiệm dày dặn cùng chuỗi thành tích xuất sắc, nhiều trường đại học đã chủ động "đánh tiếng" mời anh về giảng dạy. Tuy nhiên, anh đều từ chối vì muốn tập trung toàn lực vào mục tiêu đã đặt ra.

Suy nghĩ của Phan Văn Tính chỉ thay đổi trong một lần làm việc với các nhân sự mới tốt nghiệp đại học. Anh nhận thấy các bạn sinh viên thường có rất ít kinh nghiệm làm việc, mặc dù sở hữu những tấm bằng giỏi, xuất sắc. Thậm chí, có trường hợp còn không nắm bắt được công việc cụ thể, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ công việc.

Từ lập trình viên gen Z trở thành giảng viên vì... thương sinh viên bị la mắng ảnh 1

Thầy giáo gen Z Phan Văn Tính trong giờ giảng.

“Mình thấy nhiều CV rất nổi bật, tác giả cũng có tư chất thông minh, nhanh nhạy nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm thực tế. Khi đi làm, mô hình đào tạo cũng như định hướng nhân sự của công ty cũng không phù hợp với đối tượng cử nhân mới ra trường. Các bạn bị mắng, bị la, mình thấy rất thương cho nên quyết định trở thành giảng viên để phần nào nâng cao kỹ năng cho các bạn”, anh Phan Văn Tính nói.

Khi mới bắt tay vào giảng dạy, thầy giáo Phan Văn Tính mới tròn 26 tuổi. Khoảng cách quá nhỏ giữa thầy và trò khiến nhiều người hoài nghi về năng lực của anh. Nhưng thầy giáo trẻ đã coi đây là sự thuận lợi để hiểu và gần gũi với tâm tư của sinh viên hơn.

Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn nghề giáo, thầy giáo gen Z cho hay: “Tôi nhận được nhiều lợi ích từ việc trở thành giảng viên, nhất là khi biết bản thân vốn là một người thích chia sẻ”.

Giờ học nào cũng được “thực chiến”

Đến với những sinh viên của thầy giáo trẻ, sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí thân mật giữa thầy và trò, nhất là những khoảnh khắc chọc ghẹo, đùa vui. Sinh viên còn thường xuyên lấy hình thầy làm ảnh chế, đặt làm ảnh đại diện trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi bước vào lớp, thầy Tính và sinh viên ngay lập tức trở lại mối quan hệ thầy trò bởi tính kỷ luật, nghiêm khắc của thầy giáo gen Z. Nhiều sinh viên tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic - nơi thầy Phan Văn Tính công tác, sau 15 phút sinh viên sẽ không được điểm danh nếu chưa bước vào lớp, bài tập thầy giáo bắt buộc phải hoàn thành đúng hạn, "học ra học mà chơi ra chơi"... Chính vì lý do này, dù không có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm sư phạm, nhưng thầy giáo quê Cần Thơ vẫn luôn được đông đảo sinh viên yêu mến.

Từ lập trình viên gen Z trở thành giảng viên vì... thương sinh viên bị la mắng ảnh 3

Thầy Phan Văn Tính (bên trái) đạt danh hiệu Giảng viên xuất sắc học kỳ năm 2023.

“Tôi nghiêm lắm, nên dù học trò có nghịch ngợm đến mấy thì cũng sẽ biết “sợ” trong giờ học. Tất cả các tiết học do tôi phụ trách đều thiên về thực hành, tại đây sinh viên được rèn luyện thực tế rồi từ đó mới lồng ghép kiến thức lý thuyết, anh Phan Văn Tính chia sẻ.

Không những vậy, các bạn trẻ còn thường xuyên được "thực chiến” với các dự án bên ngoài. Qua đây, vừa có cơ hội trau dồi kinh nghiệm, vừa "được lời" thêm về mặt thu nhập. Đồng thời, thầy giáo 26 tuổi cũng thường xuyên mở các cuộc thảo luận, trao đổi thông qua mạng xã hội để sinh viên vào chia sẻ, tâm sự, nêu thắc mắc về các kiến thức chuyên môn. Nhờ đó, dù mới công tác được gần 2 năm, nhưng thầy giáo xuất thân từ lập trình viên đã gặt hái nhiều "quả ngọt" với nghề. Trong đó, quan trọng nhất là tình cảm, sự trân quý từ học trò.