Tạo hứng thú học tập cho học sinh
Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây, năm 2011, cô giáo trẻ Lê Thị Thanh Huyền đã từ bỏ những cơ hội việc làm ở vùng có điều kiện thuận lợi, tình nguyện lên huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ công tác, với mong muốn thắp lên niềm đam mê và đồng hành cùng học sinh dân tộc Mường chinh phục môn Tiếng Anh.
Tháng lương đầu tiên, cô sắm máy tính, thuê lắp đường truyền internet để học sinh Trường trung học cơ sở Tân Sơn (huyện Tân Sơn) được tiếp cận tiếng Anh chuẩn quốc tế. Sự nỗ lực, tâm huyết và dìu dắt sáng tạo của cô đã sớm cho trái ngọt khi lần đầu tiên kể từ khi thành lập, nhà trường có học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Tiếng Anh. Kết quả này cũng đầy bất ngờ và ngoài mong đợi của chính cô Huyền.
Sau ba năm đem chữ tới cho trẻ vùng khó khăn, tháng 4/2014, cô về quê hương Ba Vì, nhận công tác tại Trường tiểu học Châu Sơn và tiếp tục có những đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của quê nhà. Nhiều năm qua, cô góp tiền lương của bản thân và vận động được các nguồn xã hội hóa, cùng nhà trường xây dựng “Lớp học tiếng Anh hạnh phúc” với đầy đủ trang thiết bị dạy học như: Ti-vi, bảng tương tác, tủ sách ngoại ngữ, đặc biệt, lớp học luôn được trang trí theo chủ đề để học sinh thực hành thuyết trình tiếng Anh một cách hứng thú, hiệu quả.
Cô giáo Huyền chia sẻ: “Dạy tiếng Anh không thể đi theo lối mòn, mà phải là người “truyền lửa”, nuôi dưỡng tinh thần đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Vì thế, tôi đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để đưa tiếng Anh đến gần hơn với các em thông qua tích hợp hoạt động trải nghiệm để học sinh thực hành thuyết trình theo các chủ đề; phát triển kỹ năng nghe-nói thay vì chỉ tập trung dạy ngữ pháp theo lối truyền thống.
Nhận ra công nghệ thông tin là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo game tương tác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dựng các video thuyết trình giúp học sinh có tư liệu luyện tập tại nhà”. Cô và trò đã vượt qua những giới hạn của bản thân, của điều kiện học tập để đạt tới thành công, đó là nhiều học sinh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp huyện và thành phố.
Với những đổi mới, sáng tạo trong công tác, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền đã đạt giải nhất trong hội thi Giáo viên dạy giỏi tiếng Anh cấp tiểu học huyện Ba Vì và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh cấp tiểu học thành phố Hà Nội, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...
Tại lễ trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 vừa qua, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền là một trong các nhà giáo tiêu biểu, với sáng kiến thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh toàn quốc, thu hút đông đảo giáo viên cả nước tham gia; qua đó hỗ trợ các học sinh trên địa bàn huyện và các trường miền núi được tiếp cận ngoại ngữ.
Chia sẻ niềm vui này, cô giáo Thanh Huyền cho biết: “Từ năm 2017 thành lập đến nay, câu lạc bộ đã thu hút 83 nghìn thành viên tham gia trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Facebook và hơn 5 nghìn lượt giáo viên khắp mọi miền đất nước tiếp cận nhiều tài liệu giảng dạy, phương pháp học tập tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các vùng khó khăn”.
Sự tâm huyết và sáng tạo của cô Lê Thị Thanh Huyền không chỉ tạo ra giá trị lớn cho học sinh tại quê hương Ba Vì mà còn lan tỏa tinh thần học tập, cống hiến tới hàng nghìn giáo viên và học sinh trên cả nước.
Chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ
“Ðổi mới giáo dục sẽ chỉ thật sự hiệu quả khi mỗi giáo viên ý thức được vai trò của mình trong việc chuẩn bị hành trang cho học sinh bước vào đời. Với tôi, hành trang ấy không chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa, những yêu cầu cơ bản cần đạt của từng bậc học mà còn là khả năng áp dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn, là ý thức trách nhiệm với cộng đồng, và trên hết là tinh thần chủ động kiến tạo tương lai của chính các em”.
Ðó là tâm sự của cô giáo Ðào Mai Trang, giáo viên dạy Ngữ văn, Tổ trưởng Khoa học xã hội Trường trung học cơ sở Ðồng Thái (huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) khi nói về vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục. Trong 5 năm qua, cô Ðào Mai Trang đã sáng lập và đồng sáng lập bốn dự án cộng đồng có sức lan tỏa tích cực trên địa bàn thành phố Hải Phòng và kết nối với một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc, được các cấp, ngành ghi nhận.
Ðiển hình là dự án “Bước chân của sách”, được phát triển từ đầu năm 2020, với đóng góp sách của giáo viên, phụ huynh, học sinh để xây dựng thư viện, tủ sách trong 100% trường học, lớp học ở Hải Phòng. Với thông điệp “Mỗi trang sách là một bước chân”, dự án khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách một cách khoa học, bài bản và từng bước nâng cao văn hóa đọc.
Không chỉ khép kín trong mỗi lớp học, trường học, sau khi sách được đọc hết, học sinh sẽ trao đổi tủ sách giữa các lớp, các trường trong thành phố. Vì thế, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất, không có tiền mua sách vẫn có nhiều sách để đọc. Sách đã được di chuyển đến các trường học vùng cao của tỉnh Yên Bái với hơn 1 nghìn cuốn, 100 giá sách cho các trường học tại thành phố Yên Bái và một số xã của huyện Mù Cang Chải.
Ðến nay, dự án đã tiến được những bước chân đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tri thức và bồi dưỡng tâm hồn cho nhiều bạn nhỏ. Hành trang cần thiết để thế hệ trẻ vững tin trên con đường phía trước không chỉ là những bài học ở nhà trường, ngoài xã hội mà còn là những kiến thức, kỹ năng, định hướng tương lai trong những trang sách mà những người như cô giáo Ðào Mai Trang đã chuẩn bị cho học sinh từ rất sớm.
Ngay khi còn là một sinh viên, cô Ðào Mai Trang đã tích cực tham gia các dự án cộng đồng, các hoạt động tình nguyện, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học với mong muốn trở thành cô giáo giỏi trong tương lai. Năm 2011, cô vinh dự được Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo trao tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”.
Với cô giáo Ðào Mai Trang, nghề giáo không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh. Dạy môn Ngữ văn, ngoài niềm đam mê, tâm huyết, người dạy còn cần tự trau dồi kỹ năng truyền thụ và biểu cảm trong mỗi bài giảng. Mỗi thành công nhỏ của học sinh đều là niềm vui lớn của cô, là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của người giáo viên tận tụy.
Trách nhiệm với nghề
22 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo dạy môn Lịch sử Nguyễn Thị Sáu, Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình luôn trăn trở, nghiên cứu những phương pháp dạy mới để học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử. Trong 5 năm qua, cô đã có năm sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, một số sáng kiến được áp dụng trong giảng dạy, có khả năng nhân rộng ở địa phương.
Năm 2023, cô là chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số môn Lịch sử phục vụ khai thác, sử dụng trong dạy học cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” và đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình nghiệm thu, chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu. Những năm qua, cô dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh Quảng Bình đoạt 26 giải. Lịch sử cũng là một trong những môn dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi các cấp của tỉnh Quảng Bình.
Với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Sáu đã góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử cho học sinh trong từng tiết dạy, làm cho môn học trở nên thú vị hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Sáu cho biết: Môn Lịch sử có một vị trí rất quan trọng, giúp học sinh có những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, qua đó góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Cô thường xuyên khuyến khích học sinh tham gia các buổi thảo luận nhóm để các em bày tỏ quan điểm, tranh luận về các vấn đề lịch sử. Ðiều này không chỉ giúp các em phát triển kỹ năng tư duy mà còn rèn luyện khả năng giao tiếp tự tin.
Không chỉ là người truyền thụ kiến thức, cô giáo Nguyễn Thị Sáu luôn dành tình yêu thương cho các học trò của mình, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2021-2022, cô Sáu làm chủ nhiệm lớp 10 chuyên Sử, trong lớp có em Nguyễn Phạm Quỳnh Nguyên, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mất, mẹ sức khỏe yếu, thường xuyên ra vào bệnh viện.
Biết được hoàn cảnh éo le đó, cô Sáu đã âm thầm làm hồ sơ gửi đến Quỹ Bảo trợ trẻ mồ côi-Tony Buổi sáng với mong muốn em Nguyên được Quỹ giúp đỡ. Sau bốn vòng xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn, Nguyên cùng em ruột may mắn lọt vào danh sách và được Quỹ bảo trợ từ năm 2022 đến nay.
Nhờ nỗ lực của bản thân, sự yêu thương, dạy dỗ của cô Sáu, và giúp đỡ của cộng đồng, từ một cô bé nhút nhát, tự ti, Nguyên dần tự tin hơn và đạt thành tích xuất sắc trong học tập, với giải nhì học sinh giỏi môn Lịch sử quốc gia, được tuyển thẳng vào Trường đại học Luật Hà Nội năm nay.
Với những thành tích đạt được trong quá trình công tác, cô giáo Nguyễn Thị Sáu nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo tặng Bằng khen… “Trước yêu cầu đổi mới, mỗi giáo viên đều phải phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức nhằm tiếp cận cái mới.
Niềm vui, phần thưởng lớn nhất đối với tôi là sự tiến bộ của học sinh và thành quả mà học sinh đạt được qua các kỳ thi, nhất là thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia”, cô Sáu chia sẻ.
Những năm qua, đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, trong đó học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Tuy sự nghiệp giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song những nhà giáo như cô Huyền, cô Trang và cô Sáu là đại diện điển hình cho hơn 1,6 triệu nhà giáo luôn say nghề, yêu trò, không ngừng đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp trồng người.
Khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh, hướng các em đến những trải nghiệm trong cuộc sống để chiếm lĩnh tri thức; yêu thương, có trách nhiệm với học trò là sứ mệnh của những người thầy trong sự nghiệp đào tạo, dẫn dắt thế hệ trẻ.
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hiếm có nghề nào mà những người làm nghề, trong nghề thấy gắn bó và yêu nghề của mình bằng nghề dạy học. Chính các thầy giáo, cô giáo đã làm cho xã hội thấy được một cách sinh động lý do vì sao nghề giáo là nghề cao quý.
Các nhà giáo cần tiếp tục tự học, tự đổi mới, tự vượt qua giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình. Ðiều đó được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho giáo dục của đất nước.