Sáng 10/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2023.
Cử tri lo lắng tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội
Trình bày tóm tắt báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm và nhất trí cao với chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt là nội dung xem xét, cho ý kiến về các dự thảo: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cử tri và nhân dân vui mừng trước sự kiện khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, cũng như việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm lãi suất của ngân hàng thương mại; đồng thời, tin tưởng vào kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây; vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo ngại về việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp; việc quy định tiêu chuẩn vật liệu, tiêu chuẩn cở sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy vượt quá khả năng của người dân và doanh nghiệp; vấn đề tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế cơ sở.
Cùng với đó là việc bảo đảm các yêu cầu về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh ở các huyện, xã miền núi khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính; về khó khăn, vướng mắc khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, ông Bình nêu rõ, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%).
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 4/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 3/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 416 lượt với 873 công dân, tăng 126 lượt người, 3 đoàn đông người so với tháng 3/2023.
Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 474 vụ việc và có 18 lượt đoàn đông người (tăng 91 lượt người về 80 vụ việc và 2 lượt đoàn đông người so với tháng 3/2023). Qua tiếp công dân, đã chuyển 66 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 392 vụ việc.
Rà soát, tăng cường tính minh bạch của thị trường bảo hiểm
Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng của Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hằng tháng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại; kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để tăng cường tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành hữu quan có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết kịp thời bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, phổ biến pháp luật và nâng cao vai trò trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh, thanh thiếu niên; tập trung đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý khi độ tuổi phạm tội có xu hướng trẻ hóa và phương thức phạm tội ngày càng tinh vi.