Ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" là hoạt động ý nghĩa trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Thủ đô.
Đặc biệt, năm 2024, kỷ niệm 70 năm thành lập ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội, kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 70 tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được trao giải đã cho thấy sức vươn lên, sáng tạo không ngừng của người thầy trong xu hướng hội nhập và chuyển đổi số.
Tôn vinh nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề
Năm nay giải thưởng đã có không ít đổi mới với sự tham dự đông đảo của hơn 130.000 nhà giáo trên toàn thành phố. Với mục tiêu lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo, Công đoàn ngành giáo dục đã tổ chức bốn buổi xét duyệt giải thưởng cấp thành phố với bốn cấp học: mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Mỗi buổi xét duyệt của Hội đồng giám khảo đều được Ban tổ chức phát livestream trên trang fanpage Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội với 25.000 lượt truy cập/buổi.
Đánh giá về chất lượng của giải thưởng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, thành viên Ban giám khảo giải thưởng cho biết, các thầy, cô giáo đã thể hiện được bản sắc của mình qua những công tác thực tiễn thể hiện sự nhanh nhạy với minh chứng rõ ràng trong phát triển chuyên môn.
Các thầy, cô mang đến vòng chung khảo nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy. Đặc biệt các giáo viên đã góp phần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, chia sẻ với cộng đồng giáo dục.
Giải thưởng năm nay đem tới nhiều công trình đổi mới được vận dụng tại các trường rất hiệu quả, góp phần xây dựng nhà trường, góp phần thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo cho các thầy, cô giáo. |
Có thể kể tới cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, Trường tiểu học Châu Sơn (huyện Ba Vì) đã thành lập Câu lạc bộ giáo viên Tiếng Anh toàn quốc từ năm 2017, thu hút hơn 70.000 lượt giáo viên trên cộng đồng online và hơn 5.000 lượt giáo viên tham dự hội thảo chuyên môn trực tiếp, giúp đỡ hoạt động các câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho học sinh ở các trường miền núi, các vùng còn khó khăn về điều kiện, nhận thức và nguồn giáo viên Tiếng Anh.
Thầy Phạm Hoàng Tuấn Minh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) được trao giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" năm 2024 với sáng kiến chuyên môn được áp dụng hiệu quả tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương là công tác phát triển chương trình nhà trường, thiết kế hệ thống các chuyên đề Toán dành cho học sinh đại trà và học sinh có năng khiếu Toán, bổ sung các chuyên đề toán tiếng Anh theo chương trình của các nước, các giáo trình tiên tiến hay các dạng bài trong các kỳ thi toán quốc tế: tạo điều kiện cho học sinh mở rộng tầm hiểu biết...
Thầy Phạm Hoàng Tuấn Minh cho biết, giải thưởng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm để mỗi nhà giáo tiếp tục phát triển bản thân, lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, không ngừng cống hiến đến với các đồng nghiệp. Giải thưởng sẽ càng có ý nghĩa khi các sáng kiến sáng tạo này giúp ích được cho học sinh thân yêu.
Thầy Phạm Hoàng Tuấn Minh, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) là giáo viên trẻ, tâm huyết, nhiều sáng tạo trong giảng dạy. |
Mô hình giảng dạy Âm nhạc của trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan-Thạch Thất (huyện Thạch Thất) được Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn làm mô hình điểm để phổ biến cho 241 trường Trung học phổ thông của Hà Nội trước thực tế các trường ở Hà Nội và toàn quốc thiếu trầm trọng biên chế giáo viên bộ môn này.
Đây là một trong những công trình tâm huyết của Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan-Thạch Thất- thầy giáo Nguyễn Khắc Lý. Thầy đã chủ động tham gia khóa học online để có trải nghiệm và kinh nghiệm trực tiếp làm cơ sở chỉ đạo hoạt động chuyên môn với yêu cầu đào tạo phải hiệu quả và chất lượng với kinh phí thấp; từ đó nhận ra việc dạy học online theo phương thức mới là một giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội và toàn quốc.
Chia sẻ về giải thưởng này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: "Thành công nhất của giải thưởng này không phải là nó luôn nhắc nhở các thầy, cô giáo luôn phát huy được những điểm mạnh, không ngừng sáng tạo, tiếp tục phát triển bản thân, vừa lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo".
Theo đó, các nhà giáo phải là hạt nhân quan trọng góp phần thực hiện tốt phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy, cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, góp phần xây dựng "Trường học hạnh phúc", khi ngành giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là thành phố học tập trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.