Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Hà Nội và Trường THCS Thịnh Liệt tổ chức. Phiên tòa mô phỏng quy trình xét xử một vụ án hình sự về tội “làm nhục người khác”. Các cán bộ tư pháp và cán bộ phụ nữ đóng vai kiểm sát viên, luật sư, thành viên Hội thẩm nhân dân. Vai diễn ba bị cáo do các học sinh đảm nhận.
Tại phiên tòa, các học sinh đều rất chăm chú lắng nghe, rút kinh nghiệm cho bản thân. Thay vì tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, phiên tòa giả định với các tình tiết chân thật, cụ thể đã giúp học sinh dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử giả định. Theo lãnh đạo Trường THCS Thịnh Liệt, chương trình nhằm giúp học sinh nhận thức đúng đắn về pháp luật; có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Tại Trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng cho biết, thời gian qua, trường luôn chú trọng việc giáo dục, tuyên truyền học sinh phòng chống, ứng phó với bạo lực học đường bằng nhiều cách thức như: Đưa vào các tiết Giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt dưới cờ để truyền tải, nâng cao nhận thức của học sinh. Trường cũng tổ chức các buổi tọa đàm để lắng nghe học sinh chia sẻ về suy nghĩ và mong muốn; qua đó giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại người học, chống bạo lực học đường.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như: Ảnh hưởng từ môi trường gia đình; công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học còn nhiều hạn chế; ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, các trò chơi trên mạng; căng thẳng trong học tập, thua kém hay vì những lý do về tâm, sinh lý lứa tuổi…
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra về cả thể xác và tinh thần đều trực tiếp ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sự phát triển trong tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Nguy hiểm hơn, nhiều hành vi bạo lực học đường đã khiến cá nhân trở thành tội phạm. Vì vậy, giải quyết tình trạng bạo lực học đường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự quan tâm, tham gia của gia đình, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Đào Thị Hường cho rằng, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã quan tâm, phối hợp gia đình, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong việc quản lý, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện. Số vụ học sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết, gây gổ, xô xát diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau ở thời điểm đầu năm học. Nguyên nhân của các vụ bạo lực liên quan đến học sinh trước hết là do công tác quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên ở một số cơ sở giáo dục chưa nghiêm túc, triệt để.
Khi xảy ra vụ việc bạo lực học đường, người đứng đầu cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm còn lúng túng, bị động trong việc xử lý. Công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, lối sống tuy đã được quan tâm, nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì vậy, trong năm học này, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang xác định công tác phòng ngừa bạo lực học đường là nhiệm vụ quan trọng. Ngành giáo dục đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục có vai trò quyết định đến kết quả phòng ngừa bạo lực học đường.
Quyền Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt cho biết, thời gian tới, các cơ sở giáo dục chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình người học về phòng chống bạo lực học đường; đề cao sự gương mẫu của người thầy.