Giải bóng đá nữ các xã của huyện Bình Liêu được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách đến cổ vũ.
Giải bóng đá nữ các xã của huyện Bình Liêu được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách đến cổ vũ.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, nền tảng của xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh, qua đó góp phần xây dựng những vùng quê đáng sống với cuộc sống của người dân ngày càng sung túc, diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa-thể thao; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Văn hóa - động lực cho sự phát triển

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển; mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của hạnh phúc; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh.

Theo đó, tỉnh đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa-lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển; mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của hạnh phúc; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ảnh 1

Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y được tái hiện trong Ngày hội Kiêng gió ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.

Từ năm 2020, thị xã Quảng Yên đã phối hợp Sở Du lịch tổ chức chương trình kết nối phát triển du lịch MICE với hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đến thăm và khảo sát, giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch để tổ chức các tour đưa khách đến với địa phương.

Trong đó, tiêu biểu là tour du lịch dấu ấn Bạch Đằng kết hợp giữa trải nghiệm với các hoạt động và trò chơi tái hiện chiến thắng lịch sử năm xưa, chụp ảnh check-in xếp hình quảng bá di tích, hình ảnh đất nước tại sân đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, bãi cọc Bạch Đằng và tổ chức cho du khách đi xe đạp đôi tham quan thị xã, khu di tích…

Từ năm 2020, thị xã Quảng Yên đã phối hợp Sở Du lịch tổ chức chương trình kết nối phát triển du lịch MICE với hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đến thăm và khảo sát, giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch để tổ chức các tour đưa khách đến với địa phương.

Các điểm di tích thuộc Khu di tích Bạch Đằng, nhất là khu vực đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang… là những điểm đến lịch sử thu hút du khách mỗi mùa xuân, hè.

Thời gian gần đây, với việc đầu tư thêm các dịch vụ, điểm check-in và phối hợp tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho nhiều đối tượng du khách, khu di tích ngày càng có sức hút hơn, tạo thành điểm nhấn đặc sắc cho du lịch Quảng Yên.

Là địa phương có hơn 96% đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu cũng đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng chương trình nông thôn mới. Thông qua dịp tổ chức các lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày Kiêng gió… hằng năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ nơi đây.

Các trò chơi dân gian, các hoạt động tái hiện nghi lễ truyền thống, như: Lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ đám cưới, rước dâu của người Dao, Sán Chỉ, lễ thôi nôi của người Tày… và các làn điệu hát Then của người Tày, hát Pả dung của người Dao, điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ, đã tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu văn hóa.

Đặc biệt, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ảnh 2

Lễ rước cầu quốc thái dân an tại lễ hội Chùa Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều.

Có thể khẳng định, huyện Bình Liêu đang là điểm sáng trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống giao thông nội bộ của huyện kết nối đồng bộ đến các điểm du lịch, các công trình văn hóa, di tích lịch sử ngày càng được đầu tư nâng cấp, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh

Đến nay, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả ở thành phố Hạ Long, khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày ở huyện Tiên Yên và làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái.

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội đã được thực hiện quyết liệt, bài bản, đạt được kết quả quan trọng. Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 25 di tích gồm di tích quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh.

Đặc biệt, đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ảnh 3

Các trò chơi dân gian luôn thu hút, hấp dẫn đông đảo người dân và du khách đến xem và trải nghiệm.

Phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa

Tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong đó đặc biệt quan tâm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa bền vững, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới các nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân; phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.

Để cụ thể hóa những mục tiêu của nghị quyết của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, xây dựng các đề án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống.

Trong đó, các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, hằng năm đều tổ chức các tuần văn hóa-thể thao, văn hóa-du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc vừa tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh của nhân dân vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa tới du khách.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ảnh 4

Lễ hội Bàn Vương được tổ chức tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ.

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Ba Chẽ đã sớm xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.

Huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục: Miếu thờ Bàn Vương; nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao và thực hiện việc thực hiện việc bài trí, trưng bày các tổ hợp ảnh với các đặc trưng về lao động sản xuất, phong tục, lễ hội, trang phục… dựng các tổ hợp tượng tái hiện lại nghi lễ cấp sắc của nhánh Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán; tổ hợp tượng tái hiện lại gian bếp truyền thống của người Dao. Xác định đây sẽ trở thành không gian văn hóa dân tộc Dao và trung tâm sinh hoạt cộng đồng của 45 người Dao cả nước.

Để góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa công tác bảo tồn văn hóa huyện trở thành những việc làm thường xuyên trong đời sống, nếp sinh hoạt của mỗi đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt là tích cực tham gia, tái hiện, truyền dạy cho nhau các trò chơi dân gian, nghề thêu thổ cẩm, làm món ăn truyền thống

Bí thư huyện Đoàn Ba Chẽ Lê Minh Đạt

*

Hiện nay, huyện Ba Chẽ vẫn duy trì 6 lễ hội truyền thống, trong đó 3 Lễ hội cấp huyện gồm: Lễ hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn vương, Lễ hội Miếu Ông-Miếu Bà và 3 Lễ hội cấp xã gồm: Lễ hội Lồng tồng, xã Lương Mông; Lễ hội Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm và Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, xã Thanh Sơn. Những lễ hội này đã thu hút và tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách, thúc đẩy hợp tác đầu tư, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất. Ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, việc xây dựng các thiết chế văn hóa luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện.

Có thể khẳng định, những nét văn hóa sinh hoạt, lao động truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn được quan tâm bảo tồn, với định hướng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ảnh 5

Trình diễn trang phục dân tộc tại Ngày hội Kiêng gió ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.

Với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể mang thông điệp văn hóa đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Đồng thời tập trung hoàn thiện sớm và đưa vào triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Đề án xây dựng Bộ Tiêu chí người Quảng Ninh; Đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030...

Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

back to top