Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở Bảo tàng Quảng Ninh

Thời gian gần đây, Bảo tàng Quảng Ninh nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác số hóa, góp phần bảo tồn, trưng bày và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, quản lý, bảo tồn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách dùng vé điện tử quét mã QR khi tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.
Du khách dùng vé điện tử quét mã QR khi tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.

Bảo tàng Quảng Ninh có quy mô, kiến trúc hiện đại, công năng đồng bộ với các trang thiết bị, được xếp hạng là bảo tàng loại I. Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh có tổng số hơn 135 nghìn hiện vật, trong đó có năm bộ sưu tập hiện vật đặc trưng của tỉnh đã làm hồ sơ khoa học và 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và ngành văn hóa, Bảo tàng Quảng Ninh đã tích cực ứng dụng hiệu quả công nghệ số nhằm tuyên truyền, phát huy tác dụng các di sản lịch sử-văn hóa, thiên nhiên của tỉnh và của dân tộc Việt Nam. Khi du khách chưa thể đến bảo tàng hoặc vì lý do nào đó, một số hiện vật chỉ được lưu ở kho bảo tàng mà chưa được trưng bày hoặc không thể mang đi trưng bày thì việc số hóa hiện vật để du khách chiêm ngưỡng rất có ý nghĩa. Khai thác và ứng dụng công nghệ trên nền tảng số cũng đã đem lại cho khách tham quan sự trải nghiệm mới mẻ, đa chiều.

Hệ thống hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh mang đến sự đa dạng, phản ánh từ thiên nhiên đến con người, từ lịch sử và văn hóa của vùng đất Quảng Ninh. Trên mỗi khu vực trưng bày, Bảo tàng bố trí các màn hình cảm ứng lớn được ghép từ ba màn hình cảm ứng 70 inch. Màn hình cảm ứng này giúp khách tham quan truy cập internet để tìm hiểu về bảo tàng ảo, trang website của Bảo tàng.

Chị Lê Lâm Hồng Linh ở Hà Nội cho biết: "Lần đầu được đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh, tôi rất ấn tượng với cách trình bày khá khoa học, giúp cho người xem có được sự kết nối liên tục theo dòng lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là tại các khu vực triển lãm đều có các màn hình cảm ứng để thuận tiện cho du khách tra cứu các nội dung ngay tại chỗ".

Tại không gian trưng bày "Di tích Yên Tử-Nhà Trần tại Quảng Ninh", Bảo tàng Quảng Ninh sử dụng màn hình trực tuyến được tạo bởi 30 màn hình 50 inch có cổng kết nối là ba cáp kết nối trực tuyến với ba điểm của di tích Yên Tử đó là: Đầu ga cáp treo 1, đầu ga cáp treo 2 và khu vực Tháp Tổ. Với cách tiếp cận này đã khiến cho khách tham quan có cảm xúc đặc biệt khi được xem, nghe thuyết minh giới thiệu về giá trị lịch sử-văn hóa của di tích, cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông và cảm nhận được cảnh quan thực tại của di tích.

Mục tiêu mà Bảo tàng Quảng Ninh hướng đến là áp dụng những thành tựu của chuyển đổi số để đưa lên các trang web và fanpage. Các trang này hoạt động hiệu quả trong việc đăng tải các thông tin, bài viết giới thiệu về bảo tàng đến với công chúng trong nước và nước ngoài.

Đây cũng là một nơi tra cứu các thông tin và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, trang web của Bảo tàng đã đăng tải hàng trăm bài viết kèm theo ảnh, video tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và các hiện vật, sưu tập hiện trưng bày tại Bảo tàng.

Từ năm 2015, Bảo tàng Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D, Bảo tàng ảo để giới thiệu toàn bộ nội dung cơ bản và các không gian trưng bày của Bảo tàng. Bảo tàng ảo được đặt trên giao diện trang website của Bảo tàng qua đường link: https://baotangao.baotangquangninh.vn.

Phần mềm bảo tàng ảo được Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp Công ty TAJ Media Việt Nam thực hiện. Thông qua bảo tàng ảo đã giúp công chúng được nghe giới thiệu khái quát tổng quan cũng như lần lượt các không gian trưng bày với nội dung cơ bản, súc tích, được xem, trải nghiệm các không gian trưng bày được tái hiện 3D sinh động, hấp dẫn.

Anh Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu-Sưu tầm-Trưng bày Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Với mục tiêu phục vụ du lịch, Bảo tàng đang khai thác có hiệu quả những ứng dụng của chuyển đổi số: Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, đưa những thiết bị hiện đại vào thông tin trưng bày, hệ thống màn hình phụ trợ cho việc trưng bày, nghiên cứu triển khai hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống mã QR, hệ thống bảo tàng ảo. Trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công nghệ số phục vụ trưng bày nhằm đưa các hiện vật đến gần hơn với người dân và du khách.

Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, Bảo tàng Quảng Ninh mong muốn đưa bảo tàng đến rộng rãi công chúng hơn, đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy những giá trị di sản hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống quản lý biên lai điện tử và áp dụng vào hệ thống bán vé không thu tiền mặt giai đoạn 1. Việc thu phí hoặc thanh toán không dùng tiền mặt thì hệ thống sẽ tiến hành phát hành biên lai điện tử, thông tin về loại phí tham quan tương ứng với từng lợi mức thu. Du khách sau khi nộp phí sẽ có phiếu kiểm soát để vào tham quan Bảo tàng qua cổng kiểm soát mã QR tự động.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Việc Bảo tàng đưa hệ thống quản lý biên lai điện tử và bán vé không thu tiền mặt vào hoạt động đã mang lại hiệu quả như rút ngắn thời gian bán vé, giảm nhân công thực hiện kiểm soát vào những giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí so với in giấy trước đây nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ người dân và đơn vị ngày càng tốt hơn.

Với những nỗ lực của mình trong chuyển đổi số, lượng khách đến với Bảo tàng ngày càng tăng, trong sáu tháng đầu năm 2023, Bảo tàng Quảng Ninh đã đón 456.930 lượt khách, trong đó khách nước ngoài là 3.600 lượt, số tiền thu phí tham quan được hơn 13 tỷ đồng.