Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với hơn 162.000 người sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, song lại là những địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
Đồng hành cùng người dân
Cuộc sống của gia đình anh Lỷ Văn Chiến ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, những năm gần đây đã có những thay đổi rõ nét nhờ phát triển kinh tế rừng. Với 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Chiến đã trồng thêm được 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích quế hiện có của gia đình lên 12ha. Ngoài trồng cây quế, gia đình anh còn trồng rất nhiều các loại cây dược liệu và cây lấy gỗ như quế, ba kích, sa mộc.
Anh Chiến chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, tôi đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp cho nên người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm để nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay này phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh đã hướng dẫn các gia đình hội viên đăng ký các mô hình kinh tế phù hợp đặc thù của địa phương. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ được phát triển và nhân rộng như trồng trà hoa vàng, nuôi bò tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu và mô hình nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng mía tím, lạc đỏ đã được nhân rộng và phát triển ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu cho kết quả khả quan.
Đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới và tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
Các địa phương cũng triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) vì thế ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đến nay, toàn tỉnh có 556 sản phẩm OCOP, với 219 chủ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chương trình, với 60 cơ sở và có 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Hiệu quả từ những chính sách đột phá
Có thể khẳng định, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã được hiện thực hóa, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đồng thời nâng cao kỹ năng, kiến thức phù hợp từng địa bàn.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước ba năm theo tiêu chí của Trung ương. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay hơn 2.680 lượt khách hàng với số tiền vay gần 196,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu với 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, sáu công trình y tế, 10 công trình văn hóa...
Cùng với đó hàng loạt các đề án thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được đầu tư như Đề án phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao; Đề án thu hút bác sĩ về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025…
Tỉnh Quảng Ninh xác định, năm 2023 tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, trong đó coi trọng phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là đầu tàu dẫn dắt xuyên suốt trong quá trình triển khai các giải pháp, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo. Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt mà tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện nhằm xóa bỏ rào cản chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo và hướng đến phát triển bền vững.