Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thu hoạch chè.
Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thu hoạch chè.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Chè hiện nay là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc. Ở một số nơi, cây chè đang được trồng với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, vùng Trung du và miền núi phía bắc có 99.460 ha chè, năng suất bình quân đạt 8,13 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 859.859 tấn/năm, chiếm 77% sản lượng cả nước.

Thu hút khách du lịch

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, tất cả các địa phương vùng Trung du và miền núi phía bắc đều phát triển cây chè, trong đó diện tích tập trung ở tám tỉnh gồm: Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La.

Hiện nay, bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tại các vùng chè chủ lực đã bắt đầu tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm đã và đang có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên), vùng chè đặc sản Shan Tuyết (Hà Giang), vùng chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), đồi chè Long Cốc (Phú Thọ), đồi chè Mộc Châu (Sơn La), đồi chè Linh Dương (Lào Cai), đồi chè Tân Trào (Tuyên Quang)...

Nhờ có vùng chè cổ thụ được đồng bào H’Mông bảo tồn và khai thác hợp lý, nay có thêm du lịch săn mây và nghỉ dưỡng. Từ du lịch, các sản vật như: Gà đen, lợn cắp nách, khoai sọ nương, gạo nương tím... làm ra được khách du lịch tiêu thụ tốt, góp phần thay đổi cuộc sống đồng bào nơi này.

Anh Sùng A Nu, cán bộ điều hành Lau Camping Phình Hồ

Lau Camping Phình Hồ nằm ở lưng núi hoang sơ với địa thế đắc địa, thuộc xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Đến đây, du khách được ngắm thung lũng cánh đồng Nghĩa Lộ, được hòa mình vào bức tranh thiên nhiên trong lành, hoang sơ.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè ảnh 1

Du khách trải nghiệm hái chè Shan tuyết tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Anh Sùng A Nu, cán bộ điều hành Lau Camping Phình Hồ cho biết: “Nhờ có vùng chè cổ thụ được đồng bào H’Mông bảo tồn và khai thác hợp lý, nay có thêm du lịch săn mây và nghỉ dưỡng. Từ du lịch, các sản vật như: Gà đen, lợn cắp nách, khoai sọ nương, gạo nương tím... làm ra được khách du lịch tiêu thụ tốt, góp phần thay đổi cuộc sống đồng bào nơi này”.

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn với 793 hộ đồng bào H’Mông sinh sống, nơi đây khí hậu mát thích hợp với cây chè Shan có tuổi hàng trăm năm. Toàn xã có gần 500 ha chè Shan tuyết cổ thụ, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt hơn 500 tấn. Doanh thu từ chè hàng năm đối với người dân đạt hơn 13 tỷ đồng/năm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Suối Giàng đón hơn 50.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu đạt hơn 25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa tâm sự: “Hợp tác xã xây dựng điểm lưu trú “Bản Giàng chân mây”. Nơi đây trưng bày giới thiệu các sản phẩm trà Suối Giàng, tổ chức tiệc trà, ẩm thực, thưởng trà, check-in… và dịch vụ nghỉ dưỡng lưu trú qua đêm. Đặc biệt, nơi đây cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm như: Thu hái chè búp tươi, chế biến bên lò quay sao chè, thưởng lãm sản phẩm trà do chính Hợp tác xã làm ra thu hút nhiều du khách Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, toàn xã Suối Giàng hiện có năm doanh nghiệp, hợp tác xã cùng 15 cơ sở hộ kinh doanh du lịch gắn với chế biến tiêu thụ chè Shan tuyết. Nhờ đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nên từ đầu năm 2023 đến nay, Suối Giàng đón hơn 50.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu đạt hơn 25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè ảnh 2

Vùng chè Vĩnh Tân, huyện Tân Trào (Tuyên Quang).

Để nâng cao thu nhập cho nhân dân những năm gần đây tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn thu hút du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè Shan tuyết cổ thụ. Trong đó, tổ chức các tour, tuyến cho khách du lịch trải nghiệm đi từ Hà Giang-Hoàng Su Phì tham quan vườn chè Shan Tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang; Hà Giang-Xín Mần thăm chè Shan Tuyết cổ thụ, thác Tiên đèo gió…

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, tám tỉnh trồng trọng điểm vùng trung du và miền núi phía bắc hiện có diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… khoảng 20.123 ha.

Tại các địa điểm du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng, còn trực tiếp cùng tham gia thu hái và chế biến chè cùng người dân địa phương. Để đáp nhu cầu tỉnh, Hà Giang đã đầu tư chăm sóc, bảo tồn và phát triển các nương chè Shan tuyết cổ thụ đẹp, tạo không gian sinh thái nông nghiệp thu hút khách du lịch. Xây dựng các nhà trưng bày các sản phẩm vừa thu hút khách nghỉ dưỡng, uống chè vừa giới thiệu và bán các sản phẩm chè…

Mở rộng sản xuất chè đặc sản

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, tám tỉnh trồng trọng điểm vùng trung du và miền núi phía bắc hiện có diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… khoảng 20.123 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, đến nay tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với diện tích hơn 22.200 ha, sản lượng đạt hơn 260.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm trà sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè ảnh 3

Giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Xác định chất lượng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm tiêu thụ và tạo ra giá trị thương hiệu của sản phẩm. Vì vậy, tỉnh hướng đến phát triển vùng nguyên liệu gắn với thương hiệu trà Thái Nguyên. Trong đó, tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng; chuyển đổi số để quản lý, truy xuất nguồn gốc và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4.368 ha. Tại những vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhân dân được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng, thiết lập, đề nghị cấp mã số vùng trồng.

Toàn tỉnh, có 30 vùng trồng chè được gắn mã số vùng trồng và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Nền tảng tốt của Hợp tác xã là có vùng nguyên liệu sạch với diện tích 60 ha, sản lượng đạt 125 tấn/năm. Toàn bộ diện tích được sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, trong đó 25 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh huyện Yên Sơn Nguyễn Công Sử

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại Tuyên Quang đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn. Trên địa bàn hiện có 8.588 ha trồng chè, sản lượng hơn 71.700 tấn/năm.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh huyện Yên Sơn Nguyễn Công Sử cho biết: “Nền tảng tốt của Hợp tác xã là có vùng nguyên liệu sạch với diện tích 60 ha, sản lượng đạt 125 tấn/năm. Toàn bộ diện tích được sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, trong đó 25 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè ảnh 4

Giới thiệu sản phẩm chè Yên Bái.

Ông Nguyễn Văn Tái, thôn Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên chia sẻ: “Nhờ sản xuất sạch, năng suất chè ổn định, sức khỏe người trồng và sử dụng được bảo đảm, giá bán lại cao hơn so với trước đây 1,5 lần. Nếu như chè ngoài mô hình hiện nay chỉ bán được 70.000 đến 90.000 đồng/kg thì của gia đình có giá bán 180.000 đồng/kg. Hơn một ha chè của gia đình, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng cho lãi hơn 200 triệu đồng”.

Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có diện tích chè 4.652 ha, sản lượng chè búp tươi 14.000 tấn/năm; toàn huyện có hơn hai nghìn ha chè được chứng nhận hữu cơ.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà xã Hồng Thái, huyện Na Hang Đặng Ngọc Phố cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm trà của Hợp tác xã đủ điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào các hệ thống siêu thị trên cả nước. Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã tập trung vào phân khúc chất lượng từng loại chè để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã”.

Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, trên địa bàn có diện tích chè 4.652 ha, sản lượng chè búp tươi 14.000 tấn/năm; toàn huyện có hơn hai nghìn ha chè được chứng nhận hữu cơ. Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều hợp tác xã đã đầu tư máy móc hiện đại sản xuất nhiều loại chè chất lượng cao xuất khẩu ra nước ngoài.

Khuyến khích liên kết sản xuất

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho rằng, những năm gần đây các hoạt động liên kết giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến đã được quan tâm xây dựng tại nhiều địa phương.

Hiện nay, gia đình tôi trồng một ha chè, mỗi lứa tùy từng giống, thời tiết thì khoảng 25 đến 32 ngày được thu hái. Vào thời điểm thu hoạch rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Văn Đáng, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang (Tuyên Quang) Tô Viết Hiệp cho biết: “Cùng với việc vận động người dân trồng chè sạch, huyện còn vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng”.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có sáu làng nghề sản xuất, chế biến chè, trong đó làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Ông Phạm Văn Đáng, thôn Vĩnh Tân cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi trồng một ha chè, mỗi lứa tùy từng giống, thời tiết thì khoảng 25 đến 32 ngày được thu hái. Vào thời điểm thu hoạch rộ, mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè với sản lượng hàng năm chiếm 70 đến 80% tổng sản lượng tạo ra. Nhưng giá chè xuất khẩu chỉ bằng 60 đến 70% so với giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới.

Còn tại tỉnh Phú Thọ đã thực hiện cấp 26 mã số vùng trồng nội địa với 1.726,2 ha. Nhằm phát triển bền vững cây chè, tỉnh đang đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó phát huy vai trò của doanh nhiệp, hợp tác xã, trang trại làm đầu tàu, dẫn dắt các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn có diện tích tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè khoảng năm nghìn ha với sản lượng khoảng 12 đến 15 nghìn tấn/năm.

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè với sản lượng hàng năm chiếm 70 đến 80% tổng sản lượng tạo ra. Nhưng giá chè xuất khẩu chỉ bằng 60 đến 70% so với giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, sản xuất chè ở Trung du và miền núi phía bắc hiện nay còn nhiều khó khăn do diện tích sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ; nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè được thành lập mới, nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng cho nên thiếu nguyên liệu, sản xuất chỉ đạt 60 đến 70% công suất; diện tích áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, hữu cơ...) còn thấp. Theo thống kê, chè VietGAP, hữu cơ…tại tám tỉnh trồng chè trọng điểm khu vực này mới chiếm 22,47% tổng diện tích.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Nguyễn Thái Bình: “Để cây chè phát triển bền vững, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tham gia sâu vào chuỗi giá trị; thúc đẩy các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng; đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn có chứng nhận; xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nội tiêu cũng như xuất khẩu…”.

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè ảnh 5

Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) thu hoạch chè Shan tuyết.

Để phát triển cây chè ở vùng trung du và miền núi phía bắc, thời gian tới các địa phương và người dân cần kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất chè gắn với hoạt động du lịch ngắm cảnh, trải nghiệm tại những nơi có lợi thế phát triển.

Mặt khác, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhân dân có nhu cầu tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới; xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, hữu cơ gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến và theo định hướng cũng như yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng cường chế biến biến sâu, đa dạng sản phẩm; ứng dụng, chuyển đổi số trong quản lý các hoạt động từ sản xuất, chế biến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin sản phẩm tạo niềm tin đối với khách hàng…

back to top