Sản xuất cây có múi đạt chất lượng và an toàn thực phẩm

Ở nhiều địa phương, cây có múi (cam, bưởi, quýt, chanh) là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Một số nơi, hiện nay cây có múi đang được sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, tập trung và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch cam.
Người dân huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch cam.

Theo Cục Trồng trọt, cây có múi hiện nay đang được trồng tại nhiều địa phương với diện tích, sản lượng lớn nhất trong các loại cây ăn quả nước ta. Cây có múi thuộc nhóm 15 loại quả chủ lực của nước ta với diện tích hơn 18 nghìn ha mỗi loại. Trong đó, riêng cây bưởi cả nước có diện tích 110 nghìn ha, sản lượng 1,14 triệu tấn.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết, đến nay nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây có múi đã được nghiên cứu, áp dụng thành công. Trong đó, một số giống cây mới đã và đang được phát triển, bổ sung vào cơ cấu giống trong sản xuất như: Cam chín sớm BH, chín muộn Valencia…

Bên cạnh đó, việc nhân giống cây có múi sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng và sản xuất cây giống theo hệ thống nhà lưới 3 cấp.

Hơn nữa, thực hiện tưới tiết kiệm nước, tưới nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới đã và đang được triển khai tại một số địa phương, cho hiệu quả rõ rệt. Phương pháp này làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất, chất lượng quả và lợi nhuận.

Sản xuất cây có múi đạt chất lượng và an toàn thực phẩm ảnh 1

Sản xuất cam hữu cơ tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Kỹ thuật thụ phấn bổ sung khắc phục hiện tượng ra hoa nhưng không đậu quả cũng được thực hiện phổ biến trong sản xuất với quy mô diện tích hàng nghìn ha tại một số vùng trồng bưởi tập trung ở các tỉnh Phú Thọ và Hà Tĩnh; kỹ thuật bao trái, sử dụng bẫy bả sinh học giúp cây cam hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục quả, bảo đảm an toàn thực phẩm; kỹ thuật sản xuất cây cam sành, cây bưởi da xanh tại vùng xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Qua thống kê của 19 địa phương sản xuất lớn, diện tích cây có múi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (còn hiệu lực) khoảng 7.632 ha. Trong đó, chứng nhận hữu cơ khoảng 200 ha, chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...

Qua thống kê của 19 địa phương sản xuất lớn, diện tích cây có múi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (còn hiệu lực) khoảng 7.632 ha. Trong đó, chứng nhận hữu cơ khoảng 200 ha, chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tĩnh.

Hết năm 2022 cả nước có diện tích cây có múi hơn 262 nghìn ha, chiếm 21,47% diện tích cây ăn quả, sản lượng hơn 3,67 triệu tấn.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết: “Đến nay, diện tích cây có múi của tỉnh có hơn 10,2 nghìn ha, sản lượng hơn 210 nghìn tấn/năm. Đến tháng 6/2023, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ đạt 1.825,8 ha, trong đó chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.110 ha, VietGAP, GlobalGAP 663,61 ha, hữu cơ 52 ha”.

Gia tăng lợi nhuận

Theo thống kê, hết năm 2022 cả nước có diện tích cây có múi hơn 262 nghìn ha, chiếm 21,47% diện tích cây ăn quả, sản lượng hơn 3,67 triệu tấn. Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển bền vững và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ở một số địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa quy mô lớn, tập trung, có liên kết nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng lợi nhuận cho người dân.

Đến nay, diện tích cây có múi của tỉnh có hơn 10,2 nghìn ha, sản lượng hơn 210 nghìn tấn/năm. Đến tháng 6/2023, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ đạt 1.825,8 ha, trong đó chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.110 ha, VietGAP, GlobalGAP 663,61 ha, hữu cơ 52 ha.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến

Đến nay, cả nước có 14 sản phẩm quả có múi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành (Hà Giang), cam sành (Tuyên Quang), cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh (Nghệ An), cam Văn Chấn (Yên Bái), quýt Bắc Kạn, bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi da xanh Bến Tre...

Sản xuất cây có múi đạt chất lượng và an toàn thực phẩm ảnh 2

Vườn cam hữu cơ của gia đình ông Hoàng Biên, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Ngoài ra, ở nhiều nơi đang thực hiện trồng rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ và tăng lợi nhuận trong sản xuất cây có múi. Trong đó, tỉnh Tiền Giang trồng rải vụ cây có múi khoảng 1.235 với sản lượng 24.346 tấn. Sản xuất nghịch vụ cho lợi nhuận cao hơn chính vụ từ 27 đến 30 triệu đồng/ha đối với cây bưởi; cam từ 18 đến 20 triệu đồng/ha; chanh từ 5 đến 9,5 triệu đồng/ha.

Mô hình sản xuất cam đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 6 ha tại xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cho năng suất 25 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 750 triệu đồng/ha, lợi nhuận 450 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh Phú Thọ có điều kiện khá thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả, nhất là cây bưởi. Tỉnh xác định bưởi là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung chỉ đạo phát triển thành các vùng trồng tập trung, hàng hóa. Đến hết năm 2022, diện tích cây có múi của tỉnh đạt 6.231 ha, riêng cây bưởi hơn 5,6 nghìn ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình sản xuất bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 3 ha tại xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng và xã Vân Phú, thành phố Việt Trì.

Mô hình áp dụng các biện pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cân bằng hệ sinh thái, cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe. Theo thống kê, mô hình cho thu hoạch khoảng 32 tấn/năm, doanh thu trung bình đạt 460 triệu đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất cam đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 6 ha tại xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa cho năng suất 25 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 750 triệu đồng/ha, lợi nhuận 450 triệu đồng/ha/năm.

Tại tỉnh Nghệ An có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu phù hợp với sinh trưởng, phát triển cây ăn quả, nhất là vùng đất đỏ bazan ở các huyện miền núi phía tây. Hiện nay, thương hiệu “Cam Vinh” được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và được coi là đặc sản của xứ Nghệ.

Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu quả có múi liên tục tăng, trong đó năm 2015 là 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, sản phẩm chủ yếu chanh và bưởi. Xuất khẩu quả có múi có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.

Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có hơn 3,5 nghìn ha trồng cam, bưởi. Niên vụ vừa qua, giá cam bình quân từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, thu nhập đạt 150 đến 250 triệu đồng/ha; cá biệt có diện tích cho năng suất từ 30 đến 40 tấn/ha, có thời điểm giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, thu nhập từ 750 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Diện tích suy thoái nhiều

Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu quả có múi liên tục tăng, trong đó năm 2015 là 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, sản phẩm chủ yếu chanh và bưởi. Xuất khẩu quả có múi có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường: "Hiện nay sản xuất cây có múi ở nước ta còn gặp những khó khăn do cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống mẫu mã, chất lượng chưa cao; chi phí đầu tư cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến công nghiệp chế biến".

Hơn nữa, tỷ lệ cây giống lưu hành trong sản xuất có nguồn gốc, chất lượng, sạch bệnh chưa cao; tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại, nhất là ở các vùng phát triển tự phát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được phổ biến rộng rãi; chuỗi giá trị còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái cho nên chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, nhất là người nông dân trực tiếp sản xuất.

Hiện nay, sản xuất cây có múi ở nước ta còn gặp những khó khăn do cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống mẫu mã, chất lượng chưa cao; chi phí đầu tư cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến công nghiệp chế biến.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều vùng trồng cây có múi có biểu hiện suy thoái, chủ yếu do bệnh vàng lá thối rễ.

Ngoài ra có diện tích do già cỗi, vùng trồng không thích hợp, người trồng không đầu tư thâm canh. Qua thống kê ở 19 địa phương, diện tích cây có múi suy thoái hơn 16.500 ha.

Hiện nay, khoảng 50% diện tích cam thời kỳ kinh doanh tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) phát triển kém, bị suy thoái, chất lượng quả giảm.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho rằng: “Diện tích cây có múi trên địa bàn bị suy thoái diễn ra mạnh trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021. Từ năm 2022 đến nay, mức độ suy thoái đã giảm nhiều do một số tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất”.

Hiện nay, khoảng 50% diện tích cam thời kỳ kinh doanh tại huyện Kim Bôi phát triển kém, bị suy thoái, chất lượng quả giảm. Tại một số vùng trồng quýt bản địa ở các huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc chưa được chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch hại nên năng suất, chất lượng quả giảm, người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây trồng khác.

Còn tại tỉnh Hà Giang, hiện nay cam bị suy thoái khoảng 3.184 ha, chiếm 54,67% diện tích trồng; tỉnh Tuyên Quang đến nay thiệt hại do bệnh vàng lá thối rễ ở các vùng trồng cam tập trung như Hàm Yên và Chiêm Hóa là 2.739 ha, chiếm 36,4% tổng diện tích cây cam hiện có; tỉnh Tiền Giang tỷ lệ vườn cây có múi bị suy thoái từ 500 đến 900 ha, chiếm 5 đến 10% tổng diện tích canh tác.

Mở rộng liên kết hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị

Để bảo đảm sản xuất cây có múi bền vững, hiệu quả, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cần đẩy mạnh phát triển theo quy mô tập trung, an toàn, chứng nhận VietGAP, hữu cơ; chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học thông qua liên kết sản xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân; nhân rộng các mô hình trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ, chế biến.

Sản xuất cây có múi đạt chất lượng và an toàn thực phẩm ảnh 3

Thu hoạch cam ở huyện Mường Khương (Lào Cai).

Theo Viện nghiên cứu Rau quả, hiện nay ngoại trừ giống cam V2 và quýt đường canh ít hạt, các giống còn lại đều khá nhiều hạt, đây là một trong những hạn chế chính để có thể xuất khẩu cam. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu tạo ra những giống cam có năng suất, chất lượng tốt và đặc biệt là những giống ít hoặc không hạt.

Giải pháp lâu dài, Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, bưởi, nhất là ở các vùng không phù hợp; tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh.

Đối với diện tích trồng phân tán, vùng không phù hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Đồng thời, vận động nhân dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất giúp tăng tuổi thọ vườn cây, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; cải thiện năng suất, chất lượng, mẫu mã, giảm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Mặt khác cần khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng đất xây dựng vùng sản xuất cây có múi tập trung; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết nông dân trong chuỗi giá trị cây có múi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cây có múi...