Theo thống kê của Cục Thủy lợi, cả nước hiện có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi, 19.416 trạm bơm, 27.754 cống, 16.057 đập tạm và 291.000 km kênh mương các loại.
Công trình thủy lợi hằng năm tưới cho khoảng 7,26 triệu ha gieo trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷm3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Đi làm thêm để tăng thu nhập
Đến nay, Bộ Tài chính ban hành giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020 và giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 với mức giá bằng năm 2013. Do có nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định gần 11 năm không thay đổi.
Vì vậy, người lao động của một số đơn vị có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng như ở Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định... Cá biệt, công ty Sông Đáy, sông Nhuệ (Hà Nội), Công ty Nam Nghệ An, Phủ Quỳ (Nghệ An) còn có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng. Hay nhiều đơn vị ở các địa phương như: Bắc Cạn, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Yên… không có quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều lao động trẻ, có trình độ không muốn gắn bó với nghề đã xin nghỉ tìm công việc khác. Chính vì thế, nhiều công ty thủy lợi vẫn còn biên chế mà không tuyển được lao động.
Tôi vào ngành đến nay cũng hơn 39 năm nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn hơn sáu triệu đồng/tháng. Bản thân tôi còn thuận lợi khi các con đã trưởng thành. Tuy nhiên cuộc sống các anh em ở trạm thì vất vả đủ đường khi đa số có con đang trong độ tuổi đến trường.
Ông Lưu Ngọc Cường, Trạm trưởng Trạm 16A Xí nghiệp Thủy lợi Vinh (Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An)
Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ (Nghệ An) Hoàng Trần Lâm cho biết: “Do lương eo hẹp, các quỹ phúc lợi khen thưởng và làm thêm giờ phòng, chống thiên tai, hạn hán rất hạn chế dẫn đến thu nhập thấp, không bảo đảm trang trải cuộc sống nhiều người đã “rũ áo” ra đi tìm công việc khác. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty có năm người viết đơn xin nghỉ việc”.
Công nhân trạm bơm Hữu Bị xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vận hành máy. |
Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa chia sẻ: “Hiện nay, lương của người lao động trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn thấp hơn so với các ngành khác. Bình quân lương người lao động của Công ty là hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng. Tại Công ty, có một số trường hợp người lao động vì lương thấp đã xin nghỉ chuyển sang làm việc khác. Thống kê hai năm nay có khoảng tám người đã xin nghỉ việc”.
Ông Lưu Ngọc Cường (sinh năm 1965), Trạm trưởng Trạm 16A Xí nghiệp Thủy lợi Vinh (Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An), chia sẻ: “Tôi vào ngành đến nay cũng hơn 39 năm nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn hơn sáu triệu đồng/tháng. Bản thân tôi còn thuận lợi khi các con đã trưởng thành. Tuy nhiên cuộc sống các anh em ở trạm thì vất vả đủ đường khi đa số có con đang trong độ tuổi đến trường”.
Hiện nay, Xí nghiệp 100 người, vận hành 23 trạm bơm. Nếu theo đúng quy định mỗi ca trực ở trạm bơm điện phải có hai người nhưng ở Xí nghiệp chỉ có một người nên khó khăn cho công tác quản lý vận hành và nguy cơ mất an toàn lao động.
Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Tĩnh
Còn anh Nguyễn Trần Ngọc, nhân viên Trạm 16A, tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề 28 năm nhưng đến nay lương của tôi mỗi tháng chưa tới 5 triệu đồng. Gia đình hoàn cảnh khi vợ mất sớm, tôi một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi hai con học đại học. Ngoài đồng lương ít ỏi làm chính ở trạm thủy lợi, thời gian rảnh rỗi ai thuê gì làm đó, miễn có thêm thu nhập để lo trang trải cuộc sống gia đình”.
Một người làm việc bằng hai
Do nhiều lao động bỏ nghề, việc tuyển dụng người mới gặp khó khăn, vì vậy khối lượng công việc tăng theo với đội ngũ lao động hiện có. Bởi vậy, họ đang phải căng sức gánh vác những việc của người khác.
Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Tĩnh tâm sự: “Hiện nay, Xí nghiệp 100 người, vận hành 23 trạm bơm. Nếu theo đúng quy định mỗi ca trực ở trạm bơm điện phải có hai người nhưng ở Xí nghiệp chỉ có một người nên khó khăn cho công tác quản lý vận hành và nguy cơ mất an toàn lao động”.
Ông Đinh Văn Long, Trạm trưởng trạm bơm Quế 2, trải lòng: “Tôi làm việc ở trạm bơm được 20 năm, thời gian làm việc tám tiếng nhưng khi có mưa, bão phải ứng trực 24/24 giờ. Để vận hành máy và bảo đảm an toàn lao động, trạm bơm Quế 2 cần 12 người chia làm ba ca trực. Tuy nhiên, hiện nay số người trực ở trạm chỉ có sáu, mới được một nửa theo quy định”.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa: “Hiện nay, Công ty có 559 người, thời gian qua số lao động tuyển vào làm việc rất hãn hữu. Bởi vì nếu tuyển đúng, đủ Công ty phải cần 628 người nhưng với số lao động như vậy sẽ không đủ tiền lương để trả. Công ty đang cố gắng xoay xở để duy trì và bảo đảm hoạt động trong điều kiện, khả năng tốt nhất có thể”.
Cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp; bình quân hiện nay, các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng mới phát huy được khoảng 80% năng lực theo thiết kế.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Huy Hiền cho biết: “Do lương ít không đáp ứng cuộc sống và áp lực công việc nên thời gian gần đây trung bình mỗi năm, Công ty có từ 5 đến 7 lao động xin nghỉ việc. Hiện Công ty chỉ còn 465 người nhưng phải quản lý, vận hành 46 trạm bơm điện tưới tiêu, 13 hồ chứa, hơn 270km kênh dẫn và kênh tưới… Đây là phần công việc của 505 người và công việc càng áp lực hơn, nhất là khi xảy ra hạn hán, mưa lũ”.
Nguồn kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng không đủ
Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, thời gian qua được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp; bình quân hiện nay, các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng mới phát huy được khoảng 80% năng lực theo thiết kế.
Tại trạm bơm Quế 1 huyện Kim Bảng (Hà Nam) với chín máy được xây dựng từ những năm 1990 đến nay xuống cấp hai máy nhưng không có tiền sửa. Bởi nếu sửa một máy cần đến hàng tỷ đồng, do đó trạm bơm hiện nay chỉ chạy được 60 đến 70% công suất. Ngoài ra, có động cơ sấy không lên được cho nên không dám chạy vì sợ xảy ra sự cố. Vì vậy, Xí nghiệp đành ưu tiên kinh phí sửa chữa máy móc thiết bị đã hỏng.
Lòng dẫn trạm bơm Quế 2, huyện Kim Bảng (Hà Nam) bị bồi lắng nhưng thiếu kinh phí để nạo vét. |
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa: “Quy định một máy bơm phục vụ khoảng 3.000 giờ phải sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên nhưng do không có kinh phí các máy bơm đó vẫn phải chạy khiến giảm độ bền và nguy cơ hỏng bất cứ lúc nào. Tại Công ty chúng tôi, vừa qua các đơn vị thống kê năm 2024 có 250 công trình cần nhu cầu vốn để duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhưng Công ty chỉ phê duyệt 160 công trình vì không đủ kinh phí”.
Chính sách “làm khó” doanh nghiệp
Có thể thấy, một trong những khó khăn lớn của các công ty khai thác công trình thủy lợi hiện nay đó là giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chưa thay đổi so với Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) cho nên nguồn thu từ ngân sách thấp hơn so với chi phí phục vụ sản xuất của các đơn vị.
Theo Cục phó Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Phạm Văn Đức, hiện nay nguồn thu chủ yếu của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi là từ hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; thu từ hoạt động sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác còn thấp, chưa nhiều. Chỉ một số ít các đơn vị có nguồn thu khác từ phát điện, cung cấp nước thô cho các đơn vị sản xuất, cấp nước sinh hoạt trong khi đơn giá hỗ trợ tính trên đơn vị diện tích và biện pháp công trình chưa được điều chỉnh từ năm 2013 đến nay.
Với mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi như hiện nay, nhiều công ty không có nguồn hỗ trợ thêm từ ngân sách Nhà nước; không có tiền thu từ dịch vụ thủy lợi khác cho nên nhiều công ty chỉ ưu tiên chi trả chi phí cho công tác quản lý, vận hành.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp
Ngoài ra, việc xác định khối lượng công việc, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 96 phải căn cứ vào bản đồ giải thửa. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay phần lớn bản đồ giải thửa được xây dựng từ rất lâu chưa được chỉnh lý lại do gặp một số khó khăn, vướng mắc, do đó một số diện tích thực tế chưa có bản đồ giải thửa.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi như hiện nay, nhiều công ty không có nguồn hỗ trợ thêm từ ngân sách Nhà nước; không có tiền thu từ dịch vụ thủy lợi khác cho nên nhiều công ty chỉ ưu tiên chi trả chi phí cho công tác quản lý, vận hành.
Vì vậy, không bảo đảm yêu cầu chi phí cho công tác bảo trì, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Hơn nữa, các chế độ, chính sách cho người lao động không được bảo đảm như: Chi phí làm thêm giờ trực mưa, bão, hạn hán, xâm nhập mặn, chi phí ăn ca, trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà Nguyễn Văn Dũng cho rằng: “Công ty xây dựng phương án giá theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018, nhưng giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi lại bị khống chế bởi mức trần dự toán ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ hằng năm. Vì vậy giá tối đa sản phẩm dịch công ích thủy lợi chưa phản ánh đúng thực tế, chưa tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ cho một ha cấp nước tưới, tiêu”.
Mặt khác, hiện nay chưa có định mức kinh tế kỹ thuật đặc thù chuyên ngành như: Định mức giải tỏa, vớt bèo rác trong hệ thống công trình thủy lợi… cho nên khi xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, phải vận dụng định mức nội bộ và căn cứ vào chi phí thực tế của những năm trước liền kề.
Đổi mới phương thức hoạt động
Thiết nghĩ, trước mắt Cục Thủy lợi cần chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức khảo sát đánh giá kết quả triển khai Luật Thủy lợi và các quy định về tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Từ đó, kiến nghị cụ thể việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá, cơ chế tài chính, pháp luật về doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần chỉ đạo cơ quan liên quan trực thuộc đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới tài chính, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, cơ chế tài chính thúc đẩy cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác và xã hội hóa, PPP thủy lợi… làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật.
Đặc biệt, các công ty khai thác công trình thủy lợi cần xây dựng chiến lược và thực hiện đổi mới hoạt động. Trong đó tập trung rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức doanh nghiệp bảo đảm tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả; đào tạo, tuyển dụng, bố trí nguồn nhân lực lao động phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đơn vị.
Rà soát các loại hình sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác nhằm tăng nguồn thu; nghiên cứu phát huy tiềm năng khai thác tổng hợp, đa mục tiêu các công trình thủy lợi giúp tăng nguồn thu, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; vận hành hoạt động của công ty khai thác công trình thủy lợi đúng nghĩa của doanh nghiệp.