Xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức

Những năm qua, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực về kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này đòi hỏi thành phố phải tiếp tục tập trung đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó cần chú trọng hơn nữa kết nối mạng lưới vận tải đa phương thức.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức

Mới đây, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy hoạch giao thông vận tải hướng đến mạng lưới đa phương thức” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) tổ chức, bà Sandrine Salaun (Cơ quan quản lý giao thông Vùng Ile-de-France, Pháp) cho rằng, hiệu quả giao thông công cộng liên quan mạng lưới và kết nối giữa các phương thức vận tải, hoặc giữa các tuyến vận tải (tàu điện ngầm, xe buýt…). Kết nối đa phương thức là việc sử dụng thành công nhiều phương thức di chuyển kết nối, để đi đến nơi mong muốn. Để thúc đẩy việc chuyển đổi phương tiện cá nhân sang vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, các ga, bến tàu phải dễ dàng tiếp cận và phù hợp phương thức di chuyển.

Theo giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải Vũ Anh Tuấn, giao thông vận tải đa phương thức là một dạng tổ chức vận tải phối hợp nhiều phương thức với nhau, trong mỗi một phương thức lại có thể phối hợp nhiều phương tiện. “Nói một cách dễ hiểu thì hành khách chỉ cần một tấm vé để sử dụng tất cả các loại hình vận tải như: Đường sắt đô thị, xe buýt… Hình thức này đòi hỏi các loại hình vận tải phải liên thông, kết nối chặt chẽ với nhau”, ông Vũ Anh Tuấn nói.

Hà Nội hiện đã có hầu hết các phương thức giao thông vận tải như: Đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không. Vận tải hành khách công cộng có đường sắt đô thị, xe buýt, taxi… nhưng sự liên thông giữa các loại hình này chưa hình thành rõ nét, chưa phát huy được tối đa sự thuận tiện, hiệu quả để thu hút người dân, giảm thiểu chi phí xã hội.

Đại diện Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, những năm qua, Hà Nội đã có sự đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng chưa đạt so với quy hoạch và tiêu chuẩn (gồm chỉ tiêu về tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…). Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đầy đủ, đồng bộ. Tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm. Kết quả xây dựng hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ đô thị hóa...

Do đó giải pháp cốt lõi, đột phá là phải chuyển đổi nhanh sang đường sắt đô thị. Bởi chỉ đường sắt đô thị mới đáp ứng được vận tải khối lượng lớn, khắc phục nhanh vấn đề hạ tầng không theo kịp nhu cầu giao thông. Cùng với đó thành phố phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt… nhằm hỗ trợ và gom khách cho hệ thống đường sắt đô thị.

Để quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Thủ đô xanh, bền vững, tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội) khuyến nghị, thành phố cần quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho giao thông phi cơ giới, bao gồm xe đạp và người đi bộ; quan tâm quy hoạch hạ tầng giao thông tĩnh, trong đó có cả các khu vực trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân tại các ga tàu điện, bến xe buýt để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Đi đôi với đó, thành phố cần có chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố. Hà Nội áp dụng các biện pháp như thu phí vào nội đô hoặc hạn chế số lượng xe vào giờ cao điểm để giảm ùn tắc và khí thải; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong điều hành giao thông, phát triển giao thông công cộng…

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định phương án phát triển mạng lưới giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại”, là cực tăng trưởng khu vực phía bắc và cả nước, là động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố cả nước và thế giới.

“Quy hoạch Thủ đô xác định tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng bằng các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Giao thông công cộng được phát triển, trong đó cơ bản hoàn thành đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035, giải quyết căn bản tình hình ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô Hà Nội”, ông Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.