Gỡ khó cho y tế tư nhân

Hệ thống y tế tư nhân ngày càng có những đóng góp quan trọng trong phát triển mạng lưới y tế trên địa bàn Thủ đô, chung tay với các cơ sở y tế công lập trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố Hà Nội đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 21/10 vừa qua, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Smart City tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động. Bệnh viện có quy mô gần 60.000 m2, gồm 14 chuyên khoa, công suất phục vụ ít nhất 70.000 lượt người khám/năm. Việc đưa cơ sở này vào hoạt động góp phần mở rộng thêm mạng lưới y tế trên địa bàn Hà Nội.

Theo Sở Y tế thành phố, ở thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ của thành phố là 16 bác sĩ/10.000 người dân; số lượng giường bệnh/10.000 dân đạt 31,6%. Hiện có khoảng 20 dự án của các bệnh viện tư nhân đang làm thủ tục đầu tư tại Hà Nội; có bốn dự án được đưa vào hoạt động với khoảng 5.000 giường bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, nhất là thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, những năm gần đây, thành phố thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong nước và nước ngoài đến đầu tư tại Hà Nội. Cụ thể, thành phố tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và các thủ tục liên quan đầu tư y tế, giảm bớt giấy tờ và quy trình phức tạp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư…

Tuy vậy, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế còn chồng chéo, chưa rõ ràng, nhất là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp y tế tư nhân cũng gặp nhiều vướng mắc và mong muốn có được hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành.

Đại diện Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (trực thuộc Công ty cổ phần Y khoa Việt) cho biết, hiện nay việc mở rộng cấp phép chủ trương xây dựng của các bệnh viện rất khó khăn trong việc xin chuyển đổi quy hoạch.

Ngoài ra, giá thuê đất vẫn còn tương đối cao, thủ tục xin thuê và đấu thầu còn nhiều khâu gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Phía Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc-Phúc Trường Minh (trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh-Phúc Trường Minh) nêu vướng mắc: "Hiện doanh nghiệp y tế đang gặp khó khăn trong khi làm hồ sơ để xác định điều kiện đáp ứng theo quy định đối với dự án xã hội hóa, yêu cầu dự án phải đi vào hoạt động hay chỉ cần làm cam kết đủ điều kiện để được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất.

Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng có các văn bản thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ và làm đúng, qua đó hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật". GS, TS Đỗ Tất Cường, Phó Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec cho rằng, khó khăn của hệ thống y tế tư nhân chính là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, ông mong muốn thành phố có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp y tế tư nhân trong việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, ngoài việc thực hiện các ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế (giảm 60% tiền thuê đất đối với các cơ sở đặt tại bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; miễn tiền thuê đất đối với các quận, huyện còn lại khi đáp ứng đủ điều kiện).

Thành phố đã ban hành danh mục đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có lĩnh vực giáo dục và y tế. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn, đề nghị liên hệ với Quỹ để được hướng dẫn cụ thể. Hằng năm, thành phố luôn thực hiện công bố danh mục thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài.

Luật Thủ đô 2024 mới được ban hành đã nêu rõ định hướng phát triển y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, phù hợp cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn… Trong đó, các dự án đầu tư mới trên địa bàn trong các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi.

"Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích các đơn vị trong ngành đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, nhất là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế..." - lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh.