Bài 1: Hết lòng, hết sức vì nhân dân
Điều này vừa giúp thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, tăng thêm nguồn lực phát triển, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp từ thực tiễn.
Trước những khó khăn, mới phát sinh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, sát cánh của nhân dân đã giúp Hà Nội vững vàng vượt qua thử thách. Đây cũng chính là những bài học kinh nghiệm quan trọng cần được thành phố tiếp tục nhân rộng, phát huy trong giai đoạn tới.
Hà Nội những ngày đầu tháng 9/2024, khi các công việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đang được gấp rút triển khai, cũng là lúc những tin tức về siêu bão Yagi (bão số 3) đổ về dồn dập.
Quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành
Thường trực Thành ủy ngay lập tức yêu cầu dừng tất cả các công việc khác để tập trung ứng phó siêu bão. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp chỉ đạo 30 bí thư quận, huyện, thị ủy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải bảo đảm an toàn cho nhân dân trong bão số 3.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Hầu hết trụ sở các cơ quan từ thành phố đến cơ sở những ngày này đêm nào cũng sáng đèn để xử lý kịp thời các công việc khi bão đến rồi lũ lụt tràn về. Cây đổ khắp nơi, mưa trắng trời, nước các con sông dâng lên rất nhanh, đe dọa đến sự an toàn của người dân.
Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động chuẩn bị ứng phó các tình huống, nên tất cả các công việc đều được giải quyết một cách nhanh chóng. Lãnh đạo thành phố trực tiếp đến những nơi khó khăn, xung yếu nhất cùng lực lượng chức năng và các địa phương xử lý nhanh chóng hàng loạt vấn đề, với yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Hình ảnh các đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy dầm mưa, lội nước, rồi xúc đất gia cố đê đã thật sự tạo sức lan tỏa và động lực lớn cho cả hệ thống chính trị.
Ngay trong đêm 7/9, sau khi bão số 3 suy yếu, các đồng chí Thường trực Quận ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đã tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, động viên các lực lượng chức năng của quận và 14 phường nhanh chóng tổ chức khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra, hỗ trợ kịp thời các hộ dân gặp sự cố và tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ, xử lý các điểm úng ngập để sớm bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn trước 6 giờ sáng 8/9.
Tại khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, nơi nước dâng nhanh, lực lượng chức năng làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm. Lãnh đạo quận gọi loa, lội nước vào từng nhà để thuyết phục người dân sớm di dời để bảo đảm an toàn.
Thời gian này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” đầy ấm áp của những hộ dân đang sinh sống ở bên bờ sông Hồng trong những ngày chạy lũ. Bà Vũ Thị Ngoan ở phố Tân Ấp chia sẻ: “Các con tôi đi làm xa, nhà chỉ còn hai bà cháu, khi nước sông lên cao, tôi không biết xoay xở thế nào.
Rất may được chính quyền, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm giúp đỡ nên gia đình tôi vừa có nơi ở, vừa có đầy đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt trong những ngày tránh lũ”. Tại thực địa, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến nhấn mạnh, Sở Chỉ huy tiền phương đặt ở phường Phúc Xá chỉ được rút về khi nước sông Hồng đã rút, đã thật sự an toàn cho người dân.
Chỉ trong mấy ngày, thành phố đã kịp thời di dời hơn 27.000 người đến nơi tránh trú an toàn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” kịp thời chăm lo cho nhân dân, không để ai bị đói, bị rét. Thành phố còn kịp thời chi viện cho các tỉnh, thành phố bạn bị ảnh hưởng vì bão lũ; chỉ sau 10 ngày kêu gọi, Quỹ Cứu trợ thành phố đã tiếp nhận 177 tỷ đồng; thành phố đã chi hỗ trợ hai đợt cho các tỉnh với số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Vững vàng, đoàn kết vượt qua khó khăn
Những ngày mưa bão, lũ lụt, Hà Nội đã chịu thiệt hại lớn về hạ tầng, kinh tế, nhưng trong gian khó, thử thách, thành phố lại nhận được nguồn sức mạnh rất lớn từ sự đoàn kết của nhân dân và cả hệ thống chính trị.
Từ khi bão còn chưa về, trên mạng xã hội đã tràn ngập những hình ảnh, thông tin đầy ấm áp: “Nhà tôi còn dư mấy phòng, đủ vệ sinh, thực phẩm cho 20 người đến tránh trú...”, “Căn hộ của tôi ở địa chỉ này, mời mọi người đến, ai ở quanh khu vực Thanh Xuân, có thể alô trực tiếp tôi đón nhé”.
Các bến xe tại Hà Nội cũng rộng cửa đón khách, mời ăn nghỉ miễn phí. Khi lũ về, các fanpage ở Tây Hồ, Hoàn Kiếm tha thiết nhờ mọi người vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm đến cho người dân đang phải đi tạm cư.
Ở ngoại thành, hình ảnh bộ đội, công an dầm mưa, lội nước giúp người dân gặt lúa hay hộ đê, giúp người dân di chuyển đồ đạc khỏi vùng ngập lụt đã trở nên quen thuộc. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện vật lộn trong dòng nước để cứu đàn lợn cho gia đình, ông Nguyễn Văn Minh, xã Trung Châu (huyện Ðan Phượng) xúc động nói:
“Chúng tôi sống ở vùng bãi đã gần 20 năm nhưng chưa thấy năm nào nước sông lại lên nhanh như năm nay. Tưởng tài sản mất trắng, nhưng may mắn được các cán bộ, chiến sĩ và hàng xóm giúp đỡ di chuyển đồ đạc, vật nuôi, chúng tôi rất cảm ơn”.
Cùng với lực lượng bộ đội, công an, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở vào cuộc rất nhanh. Ở đâu khó khăn cũng thấy những bóng áo xanh của đoàn viên thanh niên đầy nhiệt tình, năng nổ. Hệ thống dân vận không chỉ tuyên truyền mà còn tiếp sức bằng nhiều việc làm cụ thể.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở tiếp tục chủ động phối hợp lực lượng chức năng tại địa bàn tổ chức các hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường. Đối với địa bàn các huyện, tích cực triển khai công tác hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa và hoa màu đến kỳ thu hoạch; hỗ trợ công tác hậu cần cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau bão.
Tất cả cộng hưởng lại, tạo thành sức mạnh để thành phố vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn này. Biểu dương tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, hy sinh của các lực lượng chức năng, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đánh giá: “Sự sát sao trong việc thực thi nhiệm vụ, nhất là sự cương quyết, quyết liệt trong những nhiệm vụ cấp bách như di dời dân đến nơi an toàn là kinh nghiệm rất quan trọng cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới”.
Vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, Hà Nội vừa tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Thành phố đã chủ động điều chỉnh quy mô các sự kiện và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó có việc dừng hoạt động bắn pháo hoa ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đã được Trung ương, các cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm được tổ chức thành công tạo sức lan tỏa lớn, khơi dậy niềm tự hào, tạo khí thế phấn khởi để Hà Nội tiếp tục hướng tới những mục tiêu lớn lao hơn trong giai đoạn tiếp theo.
(Còn nữa)