Nhiều cơ sở chưa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy

Thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, lực lượng chức năng đã rà soát, thống kê và xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án khắc phục. Tuy nhiên, kết quả khắc phục các nội dung bất cập về phòng cháy, chữa cháy còn rất hạn chế.
Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân. (Ảnh Ngọc Anh)
Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân. (Ảnh Ngọc Anh)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, qua rà soát thống kê, thành phố có 2.996 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, tăng 16 cơ sở so với năm 2023.

Nhờ triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy, qua chín tháng năm 2024, thành phố không xảy ra vụ cháy đối với các cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND. Đến nay, 2.985 cơ sở có cam kết lộ trình khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; 2.950 cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Ủy ban nhân dân cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện và cam kết lộ trình khắc phục đối với 2.950 cơ sở, trong đó hơn 750 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, hơn 170 cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế. 112 cơ sở đã triển khai thi công các hạng mục nhằm khắc phục các nội dung bất cập về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, đến nay mới có 102 cơ sở được công an cấp huyện kiểm tra, đánh giá hoàn thành khắc phục các nội dung bất cập về phòng cháy, chữa cháy, chỉ đạt 3,4%. Trong khi đó, năm 2024, thành phố giao chỉ tiêu ít nhất 70%, tương ứng với 2.097 cơ sở hoàn thành khắc phục các bất cập về phòng cháy, chữa cháy.

Ủy ban nhân dân thành phố nhận định, nhiều khả năng năm 2024, các đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao. Đáng chú ý, đến nay vẫn còn nhiều địa phương, như các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Hoài Đức… chưa khắc phục được cơ sở nào.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên nhân khách quan được chỉ ra do số lượng cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05 rất lớn, trong đó cơ sở thuộc loại hình chung cư, nhà tập thể cũ chiếm hơn 60%, tương đương gần 1.800 cơ sở.

Việc khắc phục các bất cập về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở cũ này rất khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước chưa chủ động khái toán kinh phí để báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện khắc phục các bất cập về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, còn xảy ra tình trạng báo cáo chậm, số liệu báo cáo không đúng, không chính xác. Một số quận, huyện, thị xã chưa thật sự quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết, kế hoạch của thành phố; còn tình trạng giao khoán cho cơ quan công an cấp huyện; chưa chủ động nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ đối với các bất cập, hạn chế, vướng mắc liên quan phòng cháy, chữa cháy.

Để khắc phục các hạn chế về phòng cháy, chữa cháy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc đôn đốc cơ sở hoàn thành việc ký cam kết, khảo sát lập dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện đối với toàn bộ các cơ sở chưa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc khắc phục các bất cập về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý.