Thông tin đáng chú ý nhất là quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng ở khu vực này. Đơn vị tư vấn định hướng tạo mặt bằng bãi sông theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng. Vào mùa cạn, khu vực này được sử dụng làm bãi đỗ xe, hoạt động thể thao, kinh doanh, dịch vụ. Vào mùa nước lũ thì lại trở thành dòng chảy. Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê-tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sẽ làm hai tuyến đường chạy dọc mép nước...
Sông Hồng là trục phát triển chủ đạo của Hà Nội, nhưng nhiều năm qua việc phát triển hai bên bờ sông vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thành phố chưa có dự án nào khai thác giá trị sông Hồng tương xứng với tiềm năng, quỹ đất hiện có.
Để khai thác vùng bãi sông Hồng, tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân thành phố đã công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, với chức năng chính là không gian thoát lũ; trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là làm các công trình công cộng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ du lịch...
Hiện nay, trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đưa quan điểm cần phải phát triển, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên hiện có của sông Hồng. Trong đó nhấn mạnh, cần tôn trọng tối đa tính thuận thiên, thuận theo các dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê-tông hóa và không chất tải hạ tầng quá lớn hai bên bờ sông. Cần tạo ra chuỗi các công viên, vườn hoa ở khu vực bãi sông để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là hình thành được bố cục, cảnh quan và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tiếp cận sông Hồng. Con sông phải trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn không chỉ của cư dân Thủ đô, mà của mọi du khách khi đến với Hà Nội.
Sau khi xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, thành phố cần tập trung thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, tổ chức thi tuyển ý tưởng những khu chức năng ở giữa sông, hai bên bờ, trên đê... để sông Hồng thật sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên giữa lòng Thủ đô. Điều đó rất cần tầm nhìn và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố.
Hy vọng với định hướng được xác định trong quy hoạch phân khu đô thị và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trục không gian sông Hồng sẽ sớm được khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững.