Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, thành phố Hà Nội được giao giải ngân vốn đầu tư công 81.033 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, việc triển khai kế hoạch đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III năm 2024 của thành phố về giá trị tuyệt đối đứng thứ hai cả nước và cao hơn cùng kỳ năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ giải ngân của thành phố thấp hơn so với trung bình cả nước và cùng kỳ năm 2023, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch theo đúng cam kết.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội tại Văn bản số 4710/KHÐT-THQH ngày 25/10/2024, còn 33 đơn vị chưa đạt cam kết giải ngân, thậm chí có đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của toàn thành phố. Ðáng chú ý, một số công trình trọng điểm, dự án liên kết vùng, dự án ODA, dự án có quy mô lớn tiến độ triển khai chậm.

Ðơn cử như dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, đoạn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện còn 19 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38 km, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án.

Ðể phấn đấu hoàn thành trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, áp lực về khối lượng công việc và số vốn mà thành phố Hà Nội phải giải ngân trong những tháng cuối năm 2024 là rất lớn, với 44.927 tỷ đồng, tương đương với 55,4% kế hoạch. Ngày 30/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện; các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để sớm khởi công xây dựng công trình. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư, các sở, ngành để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện ngay đối với phần diện tích có đủ điều kiện (nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố). Mặt khác, các sở, ngành của thành phố cần nghiên cứu chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định, bảo đảm thống nhất trong toàn dự án.

Các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, như “thi công 3 ca 4 kíp”; “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”… Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chủ động xây dựng, tổ chức giải pháp thi công phù hợp, điều chỉnh đường găng tiến độ của các dự án để bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt, nhất là với nhưng đơn vị được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn.