Tăng trưởng cùng đất nước

Kể từ Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) đến nay, Hà Nội đã phát triển trở thành trung tâm kinh tế lớn, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm giai đoạn 2011-2020 đạt 6,84%. Bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 6,04%/năm. Tuy đạt thấp so với kế hoạch 5 năm (từ 7,5-8,0%) nhưng cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00

Tổng số vốn đầu tư phát triển xã hội của thành phố trong 3 năm, từ năm 2021-2023 đạt gần 1,36 triệu tỷ đồng; bình quân năng suất lao động tăng 4,8%. Vì vậy, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp 12,7% GDP và 23,4% thu ngân sách nhà nước của cả nước, chiếm 42% quy mô kinh tế vùng Ðồng bằng sông Hồng, thật sự là một cực tăng trưởng lớn.

Mặc dù vậy, kinh tế Hà Nội tăng trưởng chưa thật sự bền vững. Thành phố chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 đã đề ra, đó là về đích công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm 1-2 năm so với cả nước và tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2020 đạt từ 11,5-12%.

Ðể thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố văn hiến-văn minh-hiện đại; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Ðồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; theo các chuyên gia, các nhà khoa học, trong những năm tới, Hà Nội cần ưu tiên tập trung những vấn đề như: Phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị; phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hà Nội thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao…

Ðể giúp Thủ đô thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Luật Thủ đô 2024 mới được Quốc hội ban hành và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chuẩn bị được phê duyệt) đã xác định nhiều giải pháp thể hiện tính đặc thù, vượt trội, nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, xây dựng Thủ đô không chỉ tiếp tục giữ vị thế cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của vùng Ðồng bằng sông Hồng và của cả miền bắc, mà còn đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của cả vùng và cả nước. Hy vọng, trong không gian phát triển hiện đại, chức năng đi đầu, vượt trước và dẫn dắt phát triển, Thủ đô sẽ vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới thành phố kết nối toàn cầu.