Năm 2012, nhận thấy nhiều người dân trong xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ) bỏ ruộng hoang, anh Phạm Hồng Sơn đã mượn khoảng bốn mẫu, sau đó tiếp tục mượn thêm ruộng để sản xuất. Anh Sơn cho biết: “Đến nay, gia đình tôi đã mượn được 25 ha, trong đó khoảng 70% diện tích liền vùng, liền khoảnh. Trồng lúa theo quy mô lớn mang lại lợi nhuận rất rõ rệt do áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Mỗi sào trồng lúa theo quy mô lớn lãi từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/vụ, với 25 ha cho lãi vài trăm triệu đồng/vụ”.
Vụ đông xuân 2022-2023 là vụ thứ ba của gia đình anh Tô Văn Khải, xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ) mượn đất để trồng lúa với diện tích hơn 20 ha. Anh Khải chia sẻ: “Thời gian trước, phần lớn diện tích ở đây đều bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cho nên tôi mượn lại để sản xuất. Để đạt hiệu quả cao, gia đình tôi áp dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu gieo mạ, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch. Hiện nay, phần lớn diện tích gia đình tôi trồng lúa J02, vụ vừa qua thóc bán được giá 7.700 đồng/kg, lãi 500 nghìn đồng/sào/vụ”.
Đây chỉ là hai thí dụ điển hình trong tích tụ ruộng đất, làm ăn lớn tại tỉnh Thái Bình những năm qua. Điều này cho thấy, trong sản xuất lúa nếu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún như truyền thống trong suốt thời gian dài vừa qua, người nông dân chỉ hòa vốn, hoặc lỗ. Nhưng khi sản xuất lớn với diện tích phù hợp, việc đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật sẽ cho hiệu quả tức thì, người trồng lúa có lãi là điều trông thấy. Ở Thái Bình, giờ đây mọi người đã quen với cụm từ “đại điền”, nói về một thế hệ nông dân mới có tư duy làm ăn, nắm bắt đầy đủ tiến bộ kỹ thuật, đưa máy móc vào đồng ruộng, trồng cùng một giống lúa với quy mô lớn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất hàng hóa hiện nay.
Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Trong vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mới theo hướng tích cực, phù hợp xu thế hiện nay. Các đại điền chính là lớp người nông dân mới góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Qua theo dõi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng đại điền trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhanh trong thời gian qua. Tháng 10/2022 có khoảng 1.700 đại điền; đầu năm 2023 tăng lên gần 2.000 đại điền và hiện nay là hơn 2.600 đại điền.
Thái Bình là vùng đất thuần nông với tổng diện tích cấy lúa hằng năm khoảng 76.200 ha, bình quân đầu người chỉ khoảng 1,2 sào Bắc Bộ đất sản xuất. Hiện nay, nếu chỉ sản xuất trồng trọt với diện tích như trên thì đời sống người nông dân sẽ rất khó khăn; nhất là khi các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nguồn lực trẻ. Bởi vậy, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn và có hiệu quả hơn là xu thế tất yếu. Hầu hết hình thức tích tụ là cho nhau mượn ruộng, rồi trả tiền dịch vụ cho Hợp tác xã nông nghiệp; chỉ một bộ phận nhỏ hộ dân thực hiện việc thuê ruộng để sản xuất. Nếu như trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi, thì giờ đây nghề trồng lúa trên diện tích lớn bắt đầu cho hiệu quả.
Qua theo dõi, các hộ dân tích tụ ruộng đất đã thành lập Hội sản xuất trồng trọt quy mô lớn giúp cho việc ký hợp đồng mua vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp giá bán buôn, không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được rộng rãi hơn, từ khâu làm đất đến thu hoạch; kết hợp đưa các tiến bộ mới về giống, phân bón và biện pháp canh tác mới vào đồng ruộng nhằm tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất cho hộ dân.
Ông Đỗ Văn Dân, Chủ tịch Câu lạc bộ đại điền cho hay, hiện đã có hơn 300 đại điền trên địa bàn tỉnh tham gia Câu lạc bộ. Hộ đại điền có diện tích ruộng ít nhất là 2 ha và nhiều nhất là hơn 40 ha. Các đại điền đều là những người say mê làm nông nghiệp, có tư duy làm ăn lớn. Họ mượn, nhượng lại diện tích ruộng kém hiệu quả hoặc bỏ hoang của người dân để tổ chức đầu tư máy móc, kỹ thuật cải tạo đồng ruộng, thực hiện gieo cấy những giống lúa chất lượng cao, cho giá trị lớn.
Với sự phát triển “nóng” của mô hình đại điền ở Thái Bình, vừa qua Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”. Chia sẻ về việc phát triển mô hình đại điền hiện nay, đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định: Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến sự phát triển của lớp nông dân mới này, do đó Câu lạc bộ đại điền hiện nay cần phải chuyển đổi ngay thành Hợp tác xã để được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, từ đó sẽ có bước phát triển bền vững hơn.