Đi trên con đường rộng, khang trang của khu phố Ða Tiện, Thanh Bình (phường Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành) hôm nay, ít ai có thể hình dung trước đây tuyến đường chỉ rộng chưa đầy 4m, thường xuyên ùn tắc.
Bà Nguyễn Thị Toan, ở khu phố Thanh Bình, phường Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành chia sẻ: “Ðường trong khu phố trước đây nhỏ hẹp, lưu lượng giao thông đông cho nên mỗi khi có ô-tô đi vào, hoặc hai ô-tô tránh nhau là gây ùn tắc, rất mệt mỏi trong việc di chuyển. Chính vì vậy, khi được tuyên truyền về chủ trương hiến đất làm đường, gia đình tôi ủng hộ ngay, hiến đất vì tình làng nghĩa xóm, vì sự phát triển chung của địa phương và xã hội cho nên có giảm đi đôi ba chục mét đất chúng tôi cũng rất sẵn sàng”.
Với sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền của mặt trận và các đoàn thể, gia đình bà Toan cùng hơn 30 hộ dân hai bên đường thuộc khu phố Thanh Bình và Ða Tiện đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để mở rộng đường gấp hai lần (gần 8m), giúp giao thông thuận tiện và phát triển giao thương.
Theo đồng chí Dương Ðắc Ðiềm, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành: Từ năm 2016, xã Xuân Lâm đã có định hướng trở thành phường, vì vậy cùng với phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng chủ trương mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Ðịa phương đã chọn khu phố Ða Tiện làm điểm để triển khai nhân rộng và nhận được sự đồng thuận của người dân. Mọi thông tin đều được công khai, minh bạch; các địa phương tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó, gần 100 hộ dân nằm trong quy hoạch đường vành đai đã tự nguyện phá dỡ tường rào, giải phóng mặt bằng, hiến hơn 1.500m2 đất, không đòi hỏi tiền đền bù, góp phần thuận lợi cho địa phương khi triển khai các dự án hạ tầng, mang lại diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp.
Trong hành trình phấn đấu là huyện nông thôn mới và trở thành thị xã của Thuận Thành, với phương châm công khai, minh bạch, “mưa dầm thấm lâu”, trong đó, lấy tinh thần của cán bộ, đảng viên đi trước, toàn thị xã có hơn 200 hộ dân tham gia hiến gần 2.800m2 đất xây dựng 44 công trình đường giao thông, các công trình công cộng; đóng góp hơn 1.300 ngày công phục vụ các công trình.
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh, 5 năm gần đây (giai đoạn 2019-2024), nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tự nguyện hiến hơn 18.000m2 đất để làm đường, công trình dân sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn với sự tham gia của 1.152 hộ dân, tiêu biểu như huyện Gia Bình, thành phố Bắc Ninh, thị xã Quế Võ...
Nhờ sự đồng tình, hưởng ứng, tích cực của người dân, thông qua việc hiến đất và các nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hơn 80 công trình giao thông, công trình công cộng, công trình phúc lợi. Ðáng chú ý, bên cạnh việc hiến đất, người dân đã đóng góp hơn 31.000 ngày công và hàng trăm tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nêu trên, đem lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, dù cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và việc hiến đất xây dựng đường giao thông chưa trở thành một phong trào rộng khắp, nhưng đã nhận được sự quan tâm và triển khai tích cực từ các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Ðã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là minh chứng rõ nét cho sức lan tỏa của phong trào.
Ðể phong trào tiếp tục lan tỏa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết tham gia hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”, qua đó nhằm phát huy trách nhiệm chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng việc hiến đất mở đường trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Bắc Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị loại I và trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng vào năm 2027. Trong tiến trình đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết tham gia hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông” là một điểm nhấn quan trọng.
Ðồng thuận với chủ trương lớn của tỉnh, người dân tại các địa phương mong muốn các sở, ngành chức năng tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phong trào hiến đất để mở rộng, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh.
Cùng với đó, giải quyết các nhóm vấn đề hỗ trợ người dân khi hiến đất, như kinh phí hoàn trả công trình trong diện tích hiến đất; chỉnh lý điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng về chiếu sáng, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường; kết nối giao thông…