Thêm chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội đang được đưa ra lấy ý kiến phản biện của các bên liên quan trước khi được trình chính thức tại kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2021.

Theo đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để phù hợp với quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố. Dự kiến, các đối tượng sau: trẻ em dưới 13 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo, sống tại khu vực nông thôn được hỗ trợ hai triệu đồng/tháng/người. Các đối tượng trên sống tại khu vực thành thị được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân được hỗ trợ 440.000 đồng/tháng. Thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình, thời gian hỗ trợ 36 tháng cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo; thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Đồng thời, hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông…

So với các quy định trước, Dự thảo bổ sung đối tượng “trẻ dưới 13 tuổi” và "hộ thoát nghèo" trong điều kiện được hưởng, dự kiến sẽ có khoảng 8.940 người được hưởng, tăng 420 người so với hiện tại. Sửa điều kiện hưởng từ “người thuộc hộ nghèo là người già yếu không có khả năng tự phục vụ” thành “người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ”, dự kiến có khoảng 799 người thụ hưởng, không thay đổi so với hiện tại. Đồng thời, bổ sung đối tượng “thành viên hộ cận nghèo, thoát cận nghèo”, dự kiến số người hưởng chính sách năm 2022 khoảng 23.124 người, tăng khoảng 12.620 người so với hiện tại, trong đó có khoảng 6.000 người là đối tượng mới đề xuất và 6.620 người tăng do điều chỉnh chuẩn nghèo. Dự kiến, kinh phí thực hiện một năm (kể từ năm 2022) là 378 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng so với hiện tại. Kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã bảo đảm theo phân cấp.

Phần lớn các ý kiến phản biện tán thành việc thành phố có thêm chính sách đặc thù trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhất là trong điều kiện nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nâng mức tuổi được hưởng chính sách đối với trẻ em từ dưới 13 tuổi lên thành 15 tuổi, vì theo quy định Luật Việc làm, đối tượng này vẫn chưa là đối tượng lao động, vẫn cần được quan tâm trợ giúp. Đồng thời, xem xét và làm rõ tiêu chí về đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo để cấp cơ sở dễ thực hiện khi triển khai. Các ý kiến lưu ý nếu Nghị quyết được thông qua, khi triển khai, thành phố cần minh bạch, công khai trong lộ trình thực hiện, tiêu chuẩn đánh giá và tăng cường giám sát từ cơ sở để tránh tiêu cực, tránh trục lợi chính sách.