Can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường tại 90 trường ở các khối lớp 5, lớp 9, lớp 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), học sinh tiểu học trên địa bàn Hà Nội có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất với 37,8%.
0:00 / 0:00
0:00

Tỷ lệ này ở học sinh trung học cơ sở là 16,8% và học sinh trung học phổ thông là 11,3%. Tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở khu vực nội thành cao hơn ở ngoại thành. Cụ thể, một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì lên tới 55,7%.

Tình trạng béo phì ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng trong đó chủ yếu do chế độ dinh dưỡng của trẻ không hợp lý, ăn quá nhiều, thói quen lười vận động, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi game... Trẻ có tình trạng thừa cân, béo phì dễ chịu những ảnh hưởng về tâm lý, mặc cảm với bạn bè. Ðáng lo hơn là tăng nguy cơ trẻ bị dậy thì sớm và có nguy cơ mắc phải những bệnh như hội chứng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường mạn tính, cao huyết áp, ung thư…

Thời gian qua, việc giáo dục lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh đã được tăng cường tuyên truyền trong các trường học. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì... Những hoạt động này đã dần đi vào nền nếp và từng bước góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh vẫn đang gia tăng nhanh theo các năm. Trong khi, nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng. Nếu được can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.

Do đó, liên ngành Sở Y tế và Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố cần đẩy mạnh triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Qua đó, nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh, cha mẹ học sinh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học... Nhà trường và gia đình cần cung cấp bữa ăn cho trẻ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành y tế, đồng thời, tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì cho trẻ; kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học. Quan trọng nhất là hướng dẫn, chỉ bảo cho các em học sinh nhận thức về dinh dưỡng, sức khỏe, an toàn thực phẩm để các em có ý thức và chủ động lựa chọn thực phẩm phù hợp, xây dựng lối sống lành mạnh, phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý.