Ngày 4/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15/4 đến 15/5/2024. Cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, thành phố tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Thành phố thành lập bốn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền…
Tuy nhiên, với đặc thù của địa bàn có mật độ dân số đông, mỗi tháng đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, thành phố Hà Nội luôn phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại Hà Nội đang là mùa lễ hội Xuân, ngoài lễ hội chùa Hương vẫn kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, những ngày này đang diễn ra lễ hội Bình Đà (huyện Thanh Oai), lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), thu hút rất đông khách thập phương trảy hội.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các lễ hội, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cần tiếp tục kiểm tra hàng quán dịch vụ chung quanh các đền, chùa, khu di tích. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, thành phố đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp, đã kiểm tra hơn 5.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Một vấn đề khác cần chú ý là thời gian gần đây, ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có địa chỉ cụ thể, có đăng ký kinh doanh, lại nở rộ kinh doanh thực phẩm online, mà chất lượng hàng hóa, thực phẩm chưa được kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được thay đổi để phù hợp. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ nên sử dụng sản phẩm ở những cửa hàng, cửa hiệu có đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở có hành vi vi phạm, cùng với việc phát hiện và xử phạt, cần công khai vi phạm (tên, địa chỉ, nội dung vi phạm…) để có sức răn đe.