Cần các giải pháp đồng bộ giảm ùn tắc giao thông

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có 22 điểm có từ trước và 11 điểm phát sinh. Tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019-2023 là hơn 10%/năm đối với ô-tô, 3%/năm đối với xe máy; tuy nhiên, diện tích đất cho giao thông bình quân hằng năm chỉ tăng từ 0,26 đến 0,3%. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Sự chênh lệch đó tất yếu dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông ngày càng trầm trọng, nhất là trên những tuyến đường hướng tâm, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng...
0:00 / 0:00
0:00

Lưu lượng phương tiện quá cao khiến tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô ngày càng nghiêm trọng. Trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy-Xuân Thủy-Hồ Tùng Mậu, Âu Cơ-Nghi Tàm-Xuân Diệu, La Thành-Giảng Võ... các phương tiện di chuyển khó khăn trong giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào thành phố luôn có diễn biến phức tạp, nhất là trong giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết.

Trong quý I/2024, Sở Giao thông vận tải đã xóa được hai điểm ùn tắc giao thông gồm: Khu vực nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển; nút giao Sa Đôi-Đường 70. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều điểm ùn tắc do nguyên nhân rào chắn phục vụ thi công như: Khu vực nút giao Liễu Giai-Đào Tấn; Âu Cơ-Nghi Tàm-Xuân Diệu; ngã ba Kim Đồng-Giải Phóng...

Một số điểm ùn tắc nguyên nhân do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch như: Bắc cầu Chương Dương; La Thành-Giảng Võ; nút giao Ngã Tư Sở hướng Hà Đông-Hà Nội; nút giao đường 70 với đường bao quanh khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An...

Ba điểm ùn tắc được Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông gồm: Lối lên đường vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám; nút giao Cổ Linh-Thạch Bàn.

Sở Giao thông vận tải khẳng định trong quý II/2024, sẽ nỗ lực thực hiện xóa 31 điểm ùn tắc đang nhức nhối và quyết liệt trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường học.

Theo nhiều chuyên gia, thành phố cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh những tuyến đường vành đai, tuyến trục chính hướng tâm, các cầu qua sông sẽ tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực.

Đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài để xóa bỏ ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó về lâu dài, Hà Nội cần chú trọng phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc cho thành phố.