Thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã. Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023-2025, các quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa và Sơn Tây.
0:00 / 0:00
0:00

Sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.

Cho đến nay, về cơ bản, các phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường tại Hà Nội đều nhận được sự nhất trí, đồng thuận của người dân. Các địa phương đang thực hiện các bước theo quy trình, bảo đảm tiến độ.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm đó là sau khi sắp xếp, việc bố trí cán bộ, công chức dôi dư và sử dụng trụ sở, tài sản công như thế nào? Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn việc sắp xếp cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có điều chỉnh đơn vị hành chính, nhất là phương án sắp xếp với bí thư đảng ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; định hướng sắp xếp cán bộ chủ chốt, cấp trưởng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các chức danh liên quan.

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn việc sắp xếp, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản, trụ sở, các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở vật chất của các địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính. Sở Nội vụ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, trong đó, lưu ý thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã về công tác tại các cơ quan, đơn vị của cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ, công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của việc sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư gần đến tuổi về hưu có nguyện vọng nghỉ trước tuổi. Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.

Một điều nữa mà nhiều người dân băn khoăn là sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong giấy tờ tùy thân sẽ có thay đổi một số thông tin. Về việc này, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

Thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.

Thực tế trước đây, trong giai đoạn 1 (2019-2021) sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một số địa phương, thành phố đã hoàn thành tốt việc sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Từ kinh nghiệm đó, trong sắp xếp lần này, thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo sát sao Ban Thường vụ các cấp ủy quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân, nhất là phương án sắp xếp tên gọi của đơn vị hành chính mới, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, để công tác sắp xếp bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP và sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật trong giai đoạn mới.