Từ điểm nghẽn đến đột phá

Phát triển hạ tầng là lĩnh vực mà Hà Nội đã có nhiều nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện đồ án quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia có chung nhận định: Hạ tầng vẫn là điểm nghẽn của quá trình phát triển đô thị và kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00

Những yếu tố tạo nên điểm nghẽn hạ tầng được nhận diện là: Hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị; cơ sở hạ tầng khung chậm hình thành dẫn tới thiếu đồng bộ về giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước... Nhìn chung, hạ tầng của thành phố chưa theo kịp với phát triển đô thị. Trong khi đó, hạ tầng vùng chậm hình thành, cho nên không thể kết nối, giảm tải cho khu vực trung tâm. Hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội chưa gắn kết đồng bộ với định hướng phát triển không gian và đô thị.

Với một đô thị hướng tới mục tiêu hiện đại, văn minh, có dân số hơn 8 triệu người mà chưa khai thác được không gian ngầm, khiến cho bài toán hạ tầng giao thông của Hà Nội luôn nan giải. Để tạo ra những không gian phát triển mới, thành phố cần đẩy nhanh hơn việc phát triển hạ tầng, bao gồm cả hệ thống giao thông công cộng ngầm và nổi; ưu tiên tạo ra những trục lớn, vươn ra các không gian mới để thu hút nhà đầu tư. Đi cùng với hạ tầng giao thông là hạ tầng công nghệ, cấp thoát nước…

Không chỉ có hạ tầng, nhiều lĩnh vực đang cần tới nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, thành phố Hà Nội phải lựa chọn và hạ tầng được đánh giá là khâu đột phá có thể hỗ trợ, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, các thành phần kinh tế.

Thành phố đang đặt ra rất nhiều kỳ vọng trong thu hút đầu tư. Năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD, trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD; các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Để thực hiện mục tiêu giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, tạo sự đột phá, theo kế hoạch, thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đường vành đai 4 đúng tiến độ và xây dựng thêm đường vành đai 5 trước năm 2027. Với việc hạ tầng ngày một phát triển, các dự án như đường vành đai và một loạt các khu công nghiệp, công nghệ cao mới đang được đẩy mạnh sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, câu chuyện kết nối để khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, của vùng, để doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng là vấn đề then chốt cho tăng trưởng. Để thực hiện được mục tiêu này, hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng. Là đầu tàu dẫn dắt, tạo sự lan tỏa, Hà Nội cần chủ động gia tăng kết nối giao thông với các địa phương, các vùng địa lý thông qua hệ thống đường giao thông kết nối nhanh từ trung tâm ra vùng ngoại vi; các tuyến quốc lộ, cao tốc ■