Quản lý dạy thêm, học thêm đúng đối tượng

NDO -

Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Theo quy định này, thành phố cho phép các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, sẽ không thu tiền của học sinh. Ðối với những hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là việc dạy thêm, học thêm.

Ảnh minh họa (tuoitre.vn)
Ảnh minh họa (tuoitre.vn)

Các cơ sở được thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm và công tác quản lý dạy thêm, học thêm, tiền điện, nước, sửa chữa cơ sở vật chất. Mức thu được thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, tỷ lệ chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy bằng 70%. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm... Thẩm quyền cấp phép dạy thêm, học thêm do Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, các Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, huyện, thị xã. Quy định cũng nêu rõ chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định.

Quy định nói trên của thành phố phù hợp nhu cầu thực tế hiện nay của nhiều phụ huynh học sinh là muốn cho con được học thêm để củng cố hoặc nâng cao kiến thức một vài môn học. Nhất là đối với các cháu đang học trung học cơ sở, cấp học có nhiều môn học với khối lượng kiến thức mới phải tiếp nhận khá lớn. Nhiều cháu theo học không dễ dàng, trong khi thời gian cho chương trình giảng dạy ở lớp có hạn. Trong khi đó, lại có nhiều cháu có khả năng tiếp thu tốt, có nhu cầu nâng cao kiến thức nhưng trong tiết học chính khóa, các thầy giáo, cô giáo không thể có thời gian để bồi dưỡng thêm. Chưa kể một số cháu có nhu cầu muốn thi vào trường THPT chuyên, càng cần phải ôn tập kỹ mới có đủ kiến thức, kỹ năng thi tuyển. Một lớp học ở trường công lập trên địa bàn thành phố trung bình có khoảng 50 học sinh. Trình độ tiếp thu của học sinh không đồng đều. Cho nên học thêm là nhu cầu thật sự của nhiều phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, học sinh cấp trung học cơ sở và kể cả học sinh cấp trung học phổ thông đang ở lứa tuổi chưa làm chủ được bản thân, cho nên phụ huynh khá vất vả trong việc quản lý con cái, nền nếp sinh hoạt, học tập, khi các cháu chỉ học một buổi/ngày. Cho nên, để các cháu được học hai buổi/ ngày ở trường cũng là nguyện vọng của khá nhiều phụ huynh. Trước nhu cầu như vậy, việc cấm dạy thêm, học thêm chắc khó khả thi; ngược lại có thể duy trì hoạt động này nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, bảo đảm không phát sinh những tiêu cực mới. 

Ðể quản lý tốt dạy thêm, học thêm, việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngay trong nhà trường vào một buổi nhất định, với học phí do nhà trường thu, quản lý và hạch toán công khai là biện pháp phù hợp. Ðể làm được điều đó, các nhà trường cần được quan tâm cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tách cấp học đối với một số trường tiểu học, THCS còn có chung cơ sở vật chất... để có thể phục vụ cho việc sinh hoạt, học tập của giáo viên và học sinh hai buổi trong ngày. Trong trường hợp phải tổ chức ở địa điểm ngoài trường học thì nhà trường có trách nhiệm kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các nhà trường, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cần phối hợp nhiều đơn vị khác có liên quan tiến hành thường xuyên, nghiêm túc việc kiểm tra thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm dạy thêm, học thêm đúng nhu cầu, đối tượng; duy trì hiệu quả việc cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.