Phục hồi, phát triển ngành xây dựng

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành xây dựng Hà Nội chịu tác động lớn, nhất là trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp liên quan xây dựng hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Cùng với đó, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm trễ, nguồn lao động thiếu hụt; tiền lương, giá cả nguyên vật liệu gia tăng, kèm theo các chi phí thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch dẫn đến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động xây dựng thành phố Hà Nội đang trong quá trình phục hồi sản xuất trên cơ sở bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng, UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra 10 nhóm giải pháp. Cụ thể, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động xây dựng, trong đó UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thành phố bảo đảm cân đối ngân sách, bổ sung, hỗ trợ nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Các sở, ngành, UBND cấp huyện đổi mới quy trình và thực hiện các chính sách hỗ trợ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt hơn 95% kế hoạch vốn. Các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phục hồi, mở rộng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng nguyên, vật liệu xây dựng; thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng.

Đáng chú ý, thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khởi động, đẩy mạnh hoạt động xây dựng của các công trình, dự án giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi... trọng điểm có tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, như chỉnh trang khu vực đô thị cũ, cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư, tập thể cũ; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến cho các phương tiện vận chuyển người lao động, hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng. Hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động.

Để nhóm giải pháp nêu trên sớm phát huy hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.