Phát triển nhà ở cho công nhân

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có chín khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích 1.264 ha đang hoạt động ổn định với khoảng gần 162 nghìn người lao động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có ba khu công nghiệp có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Tại các khu còn lại, phần lớn người lao động vẫn phải tự đi thuê trọ và sinh sống trong điều kiện sinh hoạt hạn chế.

Qua bốn lần dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nhiều khu công nghiệp là nơi phát sinh các ổ dịch. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều đơn vị đã bị đứt gãy chuỗi sản xuất do không đáp ứng được việc thực hiện ba tại chỗ. Không gian sản xuất bị chia cắt khi nhiều người lao động đang phải ở trọ không thể đến nơi làm việc. Đó là chưa kể đến làn sóng người lao động bỏ sản xuất về quê để tránh dịch, khiến công tác kiểm soát dịch bệnh của chính quyền rất vất vả. 

Đầu tháng 8 vừa qua, tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), UBND huyện Đông Anh đã chấp thuận phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” đối với 85 doanh nghiệp.  Tuy nhiên, số lượng công nhân ở tại khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp còn hạn chế, phần lớn người lao động thuê trọ tại các thôn trong xã Kim Chung. Đây là môi trường sống có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát, cho nên chính quyền buộc phải áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác phòng, chống dịch. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã phải tạm dừng một bộ phận sản xuất vì thiếu lao động.

Tại Hà Nội, vấn đề nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp đã nhiều lần được đề cập, thành phố đã có biện pháp thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở dành cho đối tượng này. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp căn cơ hơn đối với nhà ở cho công nhân. Cần có sự gắn kết quá trình phát triển khu công nghiệp với phát triển nhà ở cho người lao động ngay từ khâu quy hoạch. Đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao để phục vụ công nhân, người lao động. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có cơ chế, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê, mua tại các khu, cụm công nghiệp…

Thành phố đã xây dựng các kịch bản kinh tế từ nay đến cuối năm trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất trở lại nhưng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Và vấn đề nhà ở cho công nhân sau dịch để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa an toàn trong sản xuất đang là nỗi lo mà từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể tự giải quyết được, rất cần những giải pháp chung, đồng bộ của thành phố.