Phát huy hiệu quả của hương ước, quy ước

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2175/UBND-NC về triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước. UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành hương ước, quy ước phải bảo đảm nội dung phù hợp với các quy định Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những nội dung này không được trái các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Trong lịch sử Việt Nam, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước (hay quy ước ở khu vực đô thị) là những chuẩn mực ứng xử của một cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước bổ khuyết một số hạn chế của các văn bản quy định pháp luật, nhất là những vấn đề quá cụ thể, chi tiết, hoặc một số vấn đề pháp luật khó can thiệp; góp phần bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống. Tại Hà Nội, nhiều địa phương có những hương ước, quy ước được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, góp phần duy trì trật tự cộng đồng, bảo tồn văn hóa địa phương, như hương ước của làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng Đông Ngạc (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm)... hay quy ước của những người dân làm nghề chạm bạc, đúc bạc (thuộc phố Hàng Bạc).

Kể từ khi TP Hà Nội triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hầu hết các địa phương đều xây dựng hương ước, quy ước. Các hương ước được hình thành trên cơ sở hương ước, quy ước của làng xã, phường thợ, phường nghề xưa, có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp cuộc sống hôm nay. Nhiều quy định được đánh giá là góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa như: Quy định về hành vi ứng xử giữa gia đình và xã hội; việc đổ rác nơi công cộng, trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng; thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng quỹ khuyến học; quy định về việc các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau...

Mặc dù vậy, hương ước, quy ước cũng có một số mặt chưa tích cực. Thời xưa, hương ước, quy ước còn đề cao tính tự trị của cộng đồng mà bỏ qua một số quy định của pháp luật. Hương ước ngày nay dù đã có nhiều đổi mới, song, tại một số địa phương, vẫn còn những quy định không phù hợp với xã hội hiện đại, thậm chí, còn trái quy định của pháp luật. Chẳng hạn như việc một số hương ước thể hiện sự bất bình đẳng với phụ nữ, khi quy định phụ nữ không được tham gia một số hoạt động của cộng đồng; hay một số hương ước quá nệ cổ đã góp phần duy trì những hủ tục, nhất là trong lễ hội, trong hoạt động tín ngưỡng.

Sở dĩ có tình trạng trên là do có thời gian chúng ta xây dựng hương ước, quy ước quá ồ ạt. Số lượng hương ước, quy ước lớn lại không được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ. Để phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới ở những địa bàn chưa có hương ước, quy ước là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương cần tuân thủ chặt chẽ quy trình rà soát, sửa đổi cũng như xây dựng mới. Cùng với sự tham gia của cộng đồng, ngành tư pháp của các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, rà soát. Những nội dung không phù hợp với tinh thần của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là nội dung trái pháp luật phải được loại bỏ. Ngoài ra, khi bổ sung quy định mới, cần tham khảo hai Quy tắc ứng xử mà thành phố ban hành, tham khảo thêm những quy định về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa để hương ước, quy ước không trùng lặp mà bổ sung cho các quy định trong các quy tắc, quy ước khác, qua đó, góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa của Thủ đô.