Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò xuất hiện tại nước ta từ tháng 10-2020; đến ngày 10-5-2021, đã có hơn 1.660 ổ dịch xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 44.700 con. Tại Hà Nội, bệnh VDNC đã xảy ra tại 12 hộ chăn nuôi tại các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây, với tổng số bò mắc bệnh là 21 con, trong đó năm con bị tiêu hủy với trọng lượng hơn 1,5 tấn, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh VDNC, các ngành chức năng của thành phố và các địa phương đã khoanh vùng, kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát bệnh rất cao khi Hà Nội là địa phương có đàn vật nuôi có số lượng lớn, trong đó riêng đàn trâu, bò hiện có khoảng 164 nghìn con; nhu cầu tiêu dùng của người dân cao, cho nên thị trường thành phố còn nhập thêm số lượng trâu, bò và các sản phẩm gia súc từ các địa phương khác về tiêu thụ. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt xuất hiện các đợt dông, lốc, mưa lớn làm vật nuôi giảm sức đề kháng, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan từ vùng này sang vùng khác. Trong khi đó, đàn trâu, bò tại Hà Nội vẫn được nuôi theo quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình để tận dụng nguồn thức ăn thừa trong sản xuất nông nghiệp, với khoảng 48 nghìn hộ chăn nuôi, tương đương 126 nghìn con trâu, bò, cho nên điều kiện chăn nuôi, vệ sinh môi trường, công tác thú y còn nhiều hạn chế. Việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương không đầy đủ, dẫn đến việc mua bán, vận chuyển trâu, bò khó kiểm soát, nếu vật nuôi mắc bệnh, người chăn nuôi cũng không được hỗ trợ.

Để chủ động phòng, chống bệnh VDNC, UBND thành phố Hà Nội cần xem xét việc mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Ngành nông nghiệp cần chủ động phối hợp các địa phương giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh VDNC bùng phát, lây lan diện rộng; hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người chăn nuôi không nên chăn thả trâu, bò, nhất là vào những ngày nắng nóng gay gắt, để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Trường hợp trâu, bò mắc bệnh cần thông báo ngay tới cơ quan chức năng, nếu phải tiêu hủy thì thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không được bán chạy, không vận chuyển lưu thông gia súc nhiễm bệnh. Các xã thực hiện việc lập chốt kiểm dịch khi có gia súc mắc bệnh, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông gia súc nhiễm bệnh; hạn chế người qua lại khu vực đang có dịch; xử lý người chăn nuôi, người kinh doanh gia súc không tuân thủ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị bệnh buộc phải tiêu hủy theo các quy định hiện hành; tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng thực hiện tốt việc sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.