Cảnh giác phòng cháy, chữa cháy

Những vụ cháy, nổ xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại thành phố Hà Nội thời gian qua là một lời cảnh báo đối với người dân, chủ các cơ sở sản xuất và cả hệ thống chính quyền trong phòng cháy, chữa cháy.

Theo thống kê, trong tháng 4/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 26 vụ cháy, trong đó có một vụ cháy lớn, một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 11 vụ cháy trung bình, 13 vụ cháy nhỏ. Điển hình là vụ cháy rạng sáng 21/4 tại nhà số 116, B9 Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa làm năm người trong một gia đình chết. Tiếp đến là vụ cháy sáng sớm 25/4 tại thôn Vân, xã Hợp Thành, huyện Mỹ Đức, đã khiến một người chết. Gần đây nhất, chỉ trong hai ngày đầu tháng 5, ở thành phố liên tiếp xảy ra hai vụ cháy kho và nhà xưởng quy mô lớn, dù không chết người, nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản.

Đáng chú ý, số vụ cháy, nổ tại Hà Nội xảy ra tại khu vực dân cư, nhà dân chiếm tỷ lệ cao, xuất phát phần lớn từ sự chủ quan, lơ là của người dân. Trong khi đó, Hà Nội với đặc trưng ‘‘ngõ nhỏ, phố nhỏ’’, mỗi khi xảy ra cháy nổ, các xe chuyên dụng chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường. Chưa kể tình trạng ‘‘chuồng cọp’’ tại các khu tập thể cũ, nhà ống được hàn kiên cố, không có lối thoát hiểm cũng khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn. Còn đối với hơn 1.400 nhà cao tầng (hầu hết cao từ 30 tầng trở lên), ở Hà Nội thì thực tế hiện nay, xe thang chuyên dụng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chưa thể vươn tới những tầng cao nhất để cứu hộ.

Để tăng cường phòng, chống cháy nổ, mới đây, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình đã hỗ trợ người dân cắt "chuồng cọp" tạo cửa thoát hiểm. Đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng thang dây thoát khỏi hỏa hoạn. Đây là một giải pháp tạm thời đạt hiệu quả bởi "chuồng cọp" có thể giúp các gia đình tránh được trộm cắp, bảo đảm an ninh, nhưng khi có hỏa hoạn xảy ra, nó lại bít kín lối thoát hiểm. Tuy nhiên về lâu dài, việc cải tạo, xây mới chung cư cũ nhằm bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ cần sớm được thực hiện.

Tháng 5, bước vào mùa nắng nóng, các lực lượng chức năng liên tiếp khuyến cáo các đơn vị, cơ sở và hộ gia đình cảnh giác, cẩn trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nhất là an toàn trong sử dụng điện và thiết bị điện, góp phần hạn chế thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra. Muốn vậy, mỗi người dân, gia đình và doanh nghiệp phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình.