Cần một giải pháp căn cơ

Ngày 23/6, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - đơn vị quản lý, vận hành Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) có văn bản hỏa tốc đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cho tạm thời dừng tiếp nhận rác về Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn từ 18 giờ ngày 23/6/2022 đến khi giải quyết được tình trạng khó khăn đối với hạ tầng lưu chứa nước rác các hồ chứa. Việc bãi rác Xuân Sơn tạm dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 13 địa bàn gồm 12 huyện và thị xã Sơn Tây với khối lượng bình quân hiện nay khoảng 1.500 tấn/ngày.

Trước đó, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khu vực tiếp nhận rác bị đầy, do ảnh hưởng của mưa lớn khiến đường cho xe chở rác ra vào bãi đỗ bị hư hỏng, phương tiện di chuyển khó khăn, gây ra tình trạng ùn ứ rác thải tại nhiều quận nội thành, đến sáng 21/6 mới giải tỏa xong.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt. Thế nhưng, hiện tại thành phố mới chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn luôn trong tình trạng quá tải khiến cho nguy cơ “vỡ trận” rác thải luôn ở mức báo động. Trong khi lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 5.000-5.500 tấn/ngày. 

Thực trạng đó đòi hỏi Hà Nội cần có giải pháp căn cơ trong thu gom và xử lý rác thải. Trước mắt, thành phố cần bố trí đủ phương tiện bảo đảm vận chuyển hết số rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày. Trong trường hợp ùn ứ rác, một số quận, huyện chưa bố trí được điểm trung chuyển, tập kết rác tạm thời cần phủ bạt che, phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Trên thực tế, trên địa bàn thành phố hiện có Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt giai đoạn 1 và sẵn sàng đi vào vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, công suất 800 tấn/ngày, đêm.  Thành phố cũng cần rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai  đối với 14 dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo công nghệ hiện đại, tiết kiệm đất, bảo đảm môi trường. Cùng với đó, thành phố cần kiên quyết thay thế những đơn vị không bảo đảm năng lực, để những dự án xử lý rác thải hiện đại sớm đi vào hoạt động, không còn tình trạng ùn ứ, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.