Bảo đảm an toàn khi điều trị F0 tại nhà

Triển khai chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngành y tế và các lực lượng chức năng đã tổ chức điều trị tại nhà cho những bệnh nhân Covid-19 (F0) đủ điều kiện. Các đối tượng được điều trị tại nhà phải là người từ hơn 3 tháng đến dưới 49 tuổi, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; không có bệnh nền phức tạp. Các bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách kiểm tra y tế, phát thuốc. Bệnh nhân cần kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng nếu tình hình sức khỏe có chuyển biến tiêu cực. Ngoài ra, trước cửa nhà bệnh nhân phải có biển báo để mọi người chung quanh thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 trường hợp điều trị tại nhà, tập trung chủ yếu tại quận Hà Đông và huyện Hoài Đức.

Những ngày gần đây, các ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn Hà Nội thường xuyên dao động ở mức 600 đến 700 bệnh nhân. Việc cho phép người bệnh không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà là phù hợp trong thời điểm này, để ngành y tế tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, thực tế đặt ra không ít thách thức. Trước hết, vi-rút SARS-CoV-2 là vi-rút dễ phát tán, thời gian tồn tại trong không khí dài, chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu thực hiện cách ly, vi-rút có thể lây sang những thành viên khác trong gia đình. Do đó, khi bệnh nhân có nguyện vọng điều trị tại nhà, lực lượng chức năng cần kiểm tra kỹ cơ sở vật chất cách ly, tránh việc nể nang, cho phép điều trị tại nhà khi không đủ điều kiện. Lực lượng chức năng cũng cần hỗ trợ đầy đủ thông tin về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho gia đình của F0. Thực tế những trường hợp bệnh nhân chuyển nặng khá nhanh sau thời gian đầu ít triệu chứng tại nhà đòi hỏi lực lượng y tế cơ sở cần bảo đảm thông tin liên lạc, thường xuyên kiểm soát tốt diễn biến tình hình sức khỏe của bệnh nhân để ứng phó khi cần thiết. 

Mặc dù các F0 điều trị tại nhà đều phải ký cam kết về các biện pháp phòng dịch, song, không phải mọi người đều có ý thức cao. Trước đây đã xảy ra tình trạng không trung thực khi khai báo, không ít đối tượng F1, F2 dù phải cách ly vẫn đi lại, tiếp xúc cộng đồng, gây khó khăn cho công tác phòng dịch. Dù hiện tại chưa xảy ra trường hợp F0 điều trị tại nhà vi phạm, song việc đề cao cảnh giác là cần thiết. Ngành y tế, cán bộ tổ dân phố, thôn tại nơi F0 điều trị tại nhà cư trú cần quán triệt kỹ với cá nhân F0 và gia đình; vận động nhân dân giám sát việc thực hiện cách ly y tế.

Việc Hà Nội cùng cả nước thực hiện song song các biện pháp chống dịch với phát triển kinh tế, nguy cơ thời gian tới số ca F0 tiếp tục tăng là khá cao, nhất là nhu cầu đi lại của người dân trong tháng giáp Tết tăng lên. Quản lý, điều trị F0 tại nhà là cần thiết. Song, cần phải siết chặt quản lý ngay từ ban đầu để bảo đảm an toàn tuyệt đối, phát huy hiệu quả mô hình này.