Tại Hội nghị, đại diện Ban Dân vận T.Ư đã công bố Quyết định (số 597-QĐ/BDVTW) thành lập Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội gồm với chín đồng chí. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, tham mưu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội bảo đảm chất lượng và tiến độ quy trình. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Các dự thảo văn kiện lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2021-2025; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Việc lấy ý kiến của nhân dân được tổ chức thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày công bố các dự thảo văn kiện trình Đại hội từ ngày 15-10 đến hết ngày 15-11-2020. Ban Dân vận T.Ư sẽ phối hợp tổ chức 24 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội; đồng thời, báo cáo tình hình nhân dân đối với đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Về tiến độ thực hiện, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội sẽ họp phân công nhiệm vụ, thống nhất lịch và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội của Trung ương và Ban Bí thư T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vào các dự thảo văn kiện Đại hội .
Từ các ý kiến phát biểu tại Hội nghị về cách thức, thời điểm tổ chức và nội dung kế hoạch, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị: Từng thành viên Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội chịu trách nhiệm toàn diện việc tổ chức hội nghị, trong đó, phát huy tính sáng tạo, chủ động của từng tổ chức trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể; xây dựng chương trình, nội dung và chịu trách nhiệm điều hành hội nghị; tổng hợp ý kiến từng hội nghị và ý kiến chung báo cáo Ban Chỉ đạo. Đồng chí yêu cầu cầu trước ngày 25-9-2020 chốt thời gian tổ chức, khách mời tham dự 24 Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện; thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch hoạt động.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội diễn ra trên tinh thần “tích cực, cầu thị, chân thành, lắng nghe, hiệu quả, không hình thức”.