Trước hết cần nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về kiểm soát tài sản, thu nhập, công cụ quan trọng nhất của PCTN và quản lý nhà nước và coi đây là phương diện kiểm soát quyền lực trong PCTN. Lỗ hổng trong kiểm soát tài sản, thu nhập ở nước ta hiện nay đang làm cho công tác này còn hình thức, hiệu quả thấp là chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi chủ thể, thiết chế trong xã hội, mà chỉ tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Trên thực tế, bằng cách này hay cách khác, tài sản bất hợp pháp của người có nghĩa vụ phải kê khai sẽ "chạy" thành sở hữu của những người không có nghĩa vụ kê khai. Hiện nay, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn ở nước ta theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thể hiện ở các phương diện: kê khai, công khai bản kê khai, quản lý bản kê khai, xác minh tính trung thực của bản kê khai, xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng lên một cách bất thường của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập... Thực tế cho thấy, dù đã rất cố gắng trong việc triển khai thực hiện, nhưng việc kiểm soát tài sản, thu nhập từ trước đến nay vẫn rất hình thức và hiệu quả thấp. Sẽ là kém khả thi nếu không có các giải pháp đồng bộ khác về mặt thể chế, chính sách, pháp luật đi kèm để thực hiện, như: xây dựng và ban hành một đề án cấp Nhà nước về cải cách tiền lương cùng với đề án kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng đồng bộ với thiết chế không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, nhất là các giao dịch có giá trị lớn; đăng ký bất động sản, xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng lên một cách bất thường bằng cách hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Hành vi không giải thích được nguồn gốc của tài sản phải được xử lý bằng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự tại tòa án; các phương thức khác để bảo đảm tính công khai, minh bạch, hợp pháp của tài sản, thu nhập, như: kê khai thuế, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, kiểm tra, tự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, điều tra, xử lý tài sản bằng con đường tư pháp...
Nói chung, cần xây dựng một cách đồng bộ, toàn diện các quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước, theo đó có sự kiểm soát chéo giữa các thiết chế trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền liên quan đến trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng. Ðây là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, mọi doanh nghiệp, người dân... Nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ thì công cuộc phòng ngừa, để "không thể" tham nhũng vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Từ quyết tâm chính trị của Ðại hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, kỳ vọng rằng những quyết sách sớm được hiện thực hóa, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
TS Nguyễn Ðình Quyền
Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội