Quan tâm phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Cá nhân tôi và toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 đã chăm chú theo dõi diễn biến Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quan tâm phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Công tác chuẩn bị tổ chức Ðại hội được thực hiện từ rất lâu, rất kỹ lưỡng và được thông tin đầy đủ trên báo chí, do đó nhân dân đều nắm được, thấy rõ tính chất quan trọng của Ðại hội Ðảng kỳ này. Tôi cảm thấy rất tự hào vì Ðại hội đã được tổ chức vô cùng trang trọng, chu đáo, từ lễ nghi, khánh tiết tại Trung tâm Hội nghị quốc gia cho đến việc trang trí, tuyên truyền tại các địa phương, đến tận xã, thôn.

Cán bộ, đảng viên cũng cảm thấy vinh dự, tự hào vì Ðại hội XIII của Ðảng được thế giới quan tâm, các nước anh em, các nước láng giềng, các cường quốc, tổ chức quốc tế lớn đều gửi lời chúc mừng Ðại hội. Chúng tôi cũng rất vui mừng vì Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm những nhà lãnh đạo đủ đức, đủ tài, có uy tín cao trong Ðảng và trong nhân dân. Tôi rất ấn tượng với trình độ rất cao của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiều đồng chí lãnh đạo có học hàm, học vị cao, đã trải qua nhiều cương vị công tác và chứng tỏ được phẩm chất, năng lực của mình. Nhân dân tin tưởng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ đưa đất nước ta phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo chúng tôi biết, Ðại hội đã dành thời gian thảo luận, đề ra chủ trương mới để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông trong thời gian tới, khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đường thủy nội địa (ÐTNÐ). Trong thực tế, giao thông ÐTNÐ ở nước ta chưa được coi trọng, đời sống của một bộ phận người lao động trong ngành còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư phát triển giao thông vận tải ÐTNÐ là cần thiết và hết sức phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch của nước ta. Vận tải ÐTNÐ có khả năng cạnh tranh cao về giá cước, bảo đảm vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, kể cả hàng siêu trường, siêu trọng. Hiện nay, trong số hơn 220 cảng sông và gần 9.000 bến tàu nổi, đa số mới được đầu tư ở mức độ thấp, phục vụ xếp dỡ hàng hóa thủ công. Hệ thống giao thông ÐTNÐ chưa được kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường không. Do thiếu kinh phí nạo vét luồng lạch, cùng với những hạn chế về hậu cần, bến bãi, phương tiện thủy, chất lượng nhân lực, ngành giao thông vận tải ÐTNÐ không phát huy được lợi thế, đóng góp tỷ trọng rất nhỏ trong lĩnh vực vận tải người và hàng hóa.

Từ thực tế đó, tôi mong muốn Trung ương chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng phối hợp thật chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Nếu có sự quan tâm đầu tư, chắc chắn hoạt động vận tải ÐTNÐ sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

(Trạm quản lý đường thủy nội địa Ða Phúc, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên)