Thực hiện điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 30 ngân hàng thương mại trong nước mới đây đã hạ lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới sáu tháng. Trong đó, nhiều mức lãi suất ngắn hạn được niêm yết dưới "trần" quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đều niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm, thấp hơn mức “trần” quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và tại hầu hết các ngân hàng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng đều đồng loạt được điều chỉnh về mức bằng hoặc nhỏ hơn 4,25%/năm…
Theo các ngân hàng, chi phí lãi huy động chiếm từ 70 đến 80% tổng chi phí của ngân hàng, tác động mạnh nhất đến lãi suất cho vay. Do đó, thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng giảm lãi suất huy động là điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay, không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn, tiến tới hạ mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm.
Đầu tháng 4-2020, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng đã có một đợt hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 5,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn, giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. Đồng thời, cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm… Đây là những giải pháp mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh từ phía ngành ngân hàng.
Tuy các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng cho vay những tháng đầu năm 2020 vẫn rất thấp. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đến tháng 4-2020 đạt 1.933 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 0,3% so với tháng trước, dư nợ trung hạn và dài hạn tăng 0,2% so với tháng trước. Điều này cho thấy, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu, doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn để tái sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, động thái tiếp tục giảm lãi suất huy động để từ đó giảm lãi suất cho vay trong tháng 5-2020 của hệ thống ngân hàng sẽ là “cú huých” mới để các doanh nghiệp mạnh dạn tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục rà soát các văn bản, đơn giản thủ tục, quy trình vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng nên cắt giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn tiền từ đó giảm lãi suất, phí giao dịch cho khách vay, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp
Lần thứ hai kể từ khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn để từ đó giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.