Cụ thể, ngân hàng VPBank đã điều chỉnh khung lãi suất tiết kiệm áp dụng cho hình thức gửi tại quầy từ 3,2%/năm đến 6,3%/năm, lần lượt áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất từ 3,7%/năm đến 5,7%/năm, tăng từ 0,1 đến 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2021. Đáng lưu ý, ngân hàng VPBank còn áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với ưu đãi nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên cho khách hàng, cao nhất lên tới 10,6%/năm đối với kỳ hạn gửi 15 tháng trong tháng đầu, các tháng tiếp theo ở mức 5,3%/năm...
Lãi suất tại ngân hàng OceanBank cũng tăng đối với tiền gửi các thời hạn, áp dụng cho cả hai hình thức gửi tiền tại quầy và thông qua kênh online. Lãi suất huy động của OceanBank dành cho hai kỳ hạn 12 tháng là 6,55%/năm, kỳ hạn 13 tháng là 6,4%/năm, lần lượt tăng 0,45 điểm % và 0,3 điểm % so với tháng 12/2021. Các ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank… cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5 đến 5,6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng trong giai đoạn này là dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Tốc độ cho vay của ngành ngân hàng từ cuối năm 2021 đã tăng nhanh hơn. Tính hết tháng 12/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã đạt 2.482 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước. Bước sang năm mới cũng là thời điểm doanh nghiệp cần nhiều vốn tín dụng để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Theo khảo sát của Cục Thống kê Hà Nội, nếu tình hình dịch Covid-19 được khống chế thì 79% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến-chế tạo đánh giá, kết quả sản xuất, kinh doanh quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
Ngoài yếu tố mùa vụ thì việc tăng lãi suất cũng nhằm thu hút dòng tiền của người dân vào hoạt động gửi tiết kiệm. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội, năm 2021, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí thấp hơn. Lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng phổ biến ở mức từ 2,9% đến 7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Sự điều chỉnh này khiến người dân không mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác khá hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm đầu vào của ngân hàng phải tăng trở lại.
Việc ngân hàng tăng lãi suất khiến không ít người gửi tiền “khấp khởi” nhưng ngược lại, cũng khiến doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán. Đến hết năm 2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 68.700 khách hàng với dư nợ 76.500 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 317 nghìn khách hàng với dư nợ 575 nghìn tỷ đồng... Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này sẽ tiếp tục được triển khai tích cực trong năm 2022 để giúp doanh nghiệp phục hồi.