Tại huyện Ba Vì, 31 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, thị trấn đã trở thành điểm đến tin tưởng của hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách trong suốt 20 năm qua. Với phương châm đưa vốn đến gần người dân hơn, các chính sách tín dụng ưu đãi được phổ biến, thông tin công khai tới người dân, nhất là tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các xã miền núi, xã đảo Minh Châu...
Tính đến giữa năm 2022, hơn 100 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác ở huyện Ba Vì được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống với tổng dư nợ là 852,6 tỷ đồng. Trong đó có hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 191 lượt hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 3% năm 2010, xuống còn 0,82% năm 2021.
Bên cạnh việc giúp các hộ dân phát triển sản xuất, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì. Thông qua các chương trình hỗ trợ, hơn 16 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 41 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 1.600 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo được xây dựng, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về xây dựng nông thôn mới...
Tại quận Cầu Giấy, chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai tới tất cả tám phường. Qua đó, giúp hơn 33.600 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, góp phần trang trải cuộc sống, tạo công ăn việc làm và thoát nghèo. Bên cạnh đó, gần 100 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn để tiếp tục học tập; hơn 3.800 lượt người lao động được hỗ trợ trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến đánh giá, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở cơ sở, hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Trưởng Ban Dân tộc, Ủy viên Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh đề nghị, trong thời gian tới, các quận, huyện cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội; chất lượng hoạt động của các tổ Tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại các xã, phường để chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.