Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn và các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của ngân hàng nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sáu tháng đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng nhà nước với chi phí thấp hơn. Sáu tháng qua, vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 4,24% so với thời điểm cuối năm 2020. Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, phổ biến ở mức từ 5,5% đến 8,0%/năm đối với ngắn hạn; từ 7,5% đến 9,5% đối với trung và dài hạn. Tổng dư nợ ước đạt 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm cuối năm 2020. Để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, các ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 4,5%/năm. Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP Hà Nội cũng tiếp tục phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt kết quả tốt, dư nợ cho vay đạt 547,9 nghìn tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) Phạm Quang Thắng cho biết, từ các đợt dịch Covid-19 trước, Techcombank đã liên tục giảm lãi suất cho vay. Trong đó, nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay từ 6% đến 7%/năm. Đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, ngân hàng đã liên tục giải ngân vốn cho các đối tượng cần hỗ trợ. Thời gian tới, MB Bank tiếp tục hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ… với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, tiếp đó là các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn…
Dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Tuy việc giảm lãi suất hiện nay là rất khó, nhưng các tổ chức tín dụng đều bày tỏ đồng thuận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong giai đoạn này. Nhưng việc hỗ trợ sẽ không cào bằng mà sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh...